NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HUẤN THỊ VỀ THÁNH NHẠC VÀ PHỤNG VỤ
Instructio De Musica Sacra et Sacra Liturgia

INSTRUCTIO DE MUSICA SACRA ET SACRA LITURGIA

HUẤN THỊ VỀ THÁNH NHẠC VÀ PHỤNG VỤ

của Thánh bộ Nghi Lễ, ngày 03/09/1958



Toàn bộ Huấn Thị này thu gọn lại trong 3 chương:
- Chương I gồm 10 số (1-10) nói về các khái niệm chung về Thánh nhạc và Phụng vụ.
- Chương II gồm 10 số (11-21) nói về các quy luật chung.
- Chương III gồm 98 số (22-118) nói về các quy luật riêng, được chia làm 6 mục:

1. Những hoạt động Phụng vụ cần đến Thánh nhạc:
A. Thánh lễ:
a. Mấy nguyên tắc chung về việc giáo dân tham dự Thánh lễ (22-23).
b. Giáo dân tham dự lễ hát (24-27).
c. Giáo dân tham dự lễ đọc (28-34).
d. Lễ Tu viện hay lễ tại Ca tòa (35-37).
e. Lễ đồng tế, lễ phối hợp (38-39).
B. Kinh Phụng vụ (40-46).
C. Chầu Mình Thánh (47).

2. Vài loại Thánh nhạc:
A. Đa âm hợp xướng (48-49).
B. Thánh nhạc tân thời, hiện đại (50).
C. Ca hát bình dân tôn giáo (51-53).
D. Nhạc đạo (54-55).

3. Các sách hát Phụng vụ (56-59)

4. Nhạc khí và chuông

A. Mấy nguyên tắc chung (60).
B . Phong cầm cổ điển và những loại tương tự (61-67).
C. Thánh nhạc soạn cho nhạc khí (68-69).
D. Nhạc khí và các đàn điện tử (70-73).
E. Đài phát thanh truyền hình phát lại những nghi lễ tôn giáo (74-79).
F. Những lúc cấm, không được sử dụng nhạc khí (80-85).
G. Chuông (86-92).

5. Những người có vai trò chính trong Phụng vụ và Thánh nhạc (93-103)

6. Vấn đề học Thánh nhạc và Phụng vụ

A. Huấn luyện tổng quát cho giáo sĩ và giáo dân về Thánh nhạc và Phụng vụ (104-112).
B. Các nhạc viện công và tư để giúp cho Thánh nhạc tiến bộ (113-118).

Như vậy là sau những khái niệm chung (chương I) thì có những quy luật chung liên quan đến việc sử dụng Thánh nhạc trong Phụng vụ (chương II). Đó là những điều căn bản. Từ căn bản này, tất cả vấn đề được giải thích trong chương III. Mỗi đoạn trong chương này đưa ra một vài nguyên tắc quan trọng rồi từ đó rút ra những quy luật riêng để áp dụng.


CHƯƠNG I: KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT


Trước hết là định nghĩa về Phụng vụ, Thánh lễ và Thánh nhạc.

1. Phụng vụ là việc kính thờ trọn vẹn, đầy đủ, toàn bộ của nhiệm thể Đức Giêsu Kitô, nghĩa là của vị lãnh đạo và các phần tử của mình. Vì thế các hoạt động Phụng vụ là những nghi lễ thiêng thánh do Đức Giêsu Kitô hay Hội thánh thiết lập và nhân danh Đức Giêsu và Hội thánh mà những người được chỉ định một cách chính đáng đứng ra cử hành, phù hợp với các sách Phụng vụ được Tòa Thánh phê chuẩn, để thờ phượng Chúa và tôn kính các thánh. Các lễ nghi khác diễn ra ở bên trong hay ngoài nhà thờ có Linh mục hay không đều gọi là các việc đạo đức.

2. Thánh lễ là một hành vi thờ phượng Thiên Chúa một cách công khai và công cộng nhân danh Đức Kitô và Hội thánh bất kể nơi hay cách cử hành thế nào. Vậy phải tránh kiểu nói lễ riêng.

3. Có hai thứ lễ: lễ hát và lễ đọc. Lễ hát là lễ Linh mục chủ tế hát những phần nghi thức dự liệu phải hát. Ngoài ra là lễ đọc. Nếu lễ hát có Phó tế thì gọi là lễ trọng.

4-10. Khi nói đến Thánh nhạc thì phải hiểu là:
a. Bình ca.
b. Đa âm hợp xướng.
c. Thánh nhạc hiện đại.
d. Thánh nhạc soạn cho Phong cầm.
e. Ca khúc bình dân tôn giáo.
f. Nhạc đạo.


CHƯƠNG II: QUY LUẬT CHUNG


11. Thánh nhạc trong Huấn thị này phân loại như trên vừa hiểu về hát lẫn đàn. Còn nhà thờ thì hiểu là tất cả những nơi có tính cách tôn nghiêm, thiêng thánh như nhà thờ họ, nhà nguyện bán công hoặc tư.

12. Các lễ nghi Phụng vụ phải diễn ra phù hợp với các sách đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Còn việc đạo đức thì tùy thói quen và truyền thống của mỗi nơi mỗi nhóm được thẩm quyền liên hệ phê chuẩn. Các lễ nghi Phụng vụ và các việc đạo đức không được pha lộn với nhau. Nhưng nếu vì hoàn cảnh xui khiến thì có thể làm các việc đạo đức trước hay sau các lễ nghi Phụng vụ.

13. Phần này so với bây giờ đã thay đổi nhiều, nhất là việc dùng tiếng La-tinh. Hồi năm 1958 thì chỉ được dùng tiếng La-tinh khi hát lễ mà thôi.

14-16. …

17. Được hát đa âm hợp xướng trong mọi lễ nghi Phụng vụ, miễn là có ca đoàn hát đúng những đòi hỏi của nghệ thuật.

18. Cũng được dùng Thánh nhạc hiện đại trong mỗi lễ nghi Phụng vụ. Miễn là nhạc đó hội đủ tính cách trang nghiêm, xứng đáng thánh thiện của Phụng vụ và Ca đoàn phải hát được một cách có nghệ thuật.

19. Có thể dùng các ca khúc tôn giáo bình dân trong các việc đạo đức, nhưng trong các lễ nghi tôn giáo thì phải tuân theo những điều đã nói trên, số 13-15.

20. Còn nhạc có màu sắc tôn giáo mà thôi, thì phải loại ra khỏi các lễ nghi Phụng vụ, nhưng được dùng trong các việc đạo đức. Các buổi hòa nhạc trong nhà thờ phải theo các quy luật nói ở số 54-55.

21. Theo các sách Phụng vụ, tất cả những gì Chủ tế, Phó tế, Ca đoàn, cộng đoàn hát trong Thánh lễ đều hoàn toàn thuộc về Thánh nhạc. Vì thế không được đổi thứ tự bản văn để hát, làm khác nghĩa hay cắt xén hoặc lặp lại không đúng cách. Các bài hát soạn theo lối đa âm hợp xướng hay Thánh nhạc hiện đại nhiều bè có nhạc khí phụ diễn, khi hát phải hát rõ lời. Cũng vậy, cấm không được bỏ hết hay một phần bản văn Phụng vụ phải hát, trừ khi nghi thức ấn định khác. Nhưng nếu vì một lý do chính đáng như không đủ người hát, bài hát không hay, thì được đọc cung bằng hay ngâm nga cả bản văn.


CHƯƠNG III: QUY LUẬT RIÊNG


Chương III-1. Những lễ nghi Phụng vụ dùng đến Thánh nhạc

A. Thánh Lễ: Vài nguyên tắc chung về vấn đề giáo dân tham dự:

22-23. Bản tính Thánh lễ đòi những người tham dự phải tham dự theo lối dành riêng cho họ. Sự tham dự này trước hết phải nội tại ở bên trong, nghĩa là giữ cho lòng trí mình kết hợp với Vị Chủ tế tối cao là Đức Kitô mà dâng lễ với Người. Tuy nhiên tham dự bên trong chưa đủ, còn phải tham dự bên ngoài nữa mới hoàn toàn. Tham dự bên ngoài là đứng lên, ngồi xuống, cúi đầu, chắp tay, bái gối, thưa kinh đối đáp, hát những phần dành cho mình như bộ lễ, đáp ca và các câu tung hô… và nhất là rước lễ để đón nhận được dồi dào ơn ích thiêng liêng của Thánh lễ.

Nhưng giáo dân không thể tham dự tích cực và ý thức nếu không được huấn luyện vừa đủ. Vì vậy trong bài giảng dụ và giáo lý, các Linh mục hay Giáo lý viên phải giải thích cho họ những đoạn Sách thánh hoặc nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của Thánh lễ, nhất là vào các ngày Chúa nhật và Lễ trọng.

B. Tham dự lễ hát:

24-27. Trước Công đồng thì lễ hát có hai loại: Lễ hát trọng quen gọi là “Lễ di-súp” và lễ hát thường chỉ có Chủ tế và các người giúp lễ, không có Thầy năm, Thầy sáu. Bây giờ rất ít, hầu như không có lễ di-súp, mà long trọng là lễ đồng tế.

Vì vậy việc tham dự lễ hát bây giờ cũng khác với trước kia. Nay lễ trọng thì hát hết: nhập lễ, bộ lễ, đáp ca, tiến lễ, hiệp lễ và các câu tung hô. Còn lễ hát thì hát ít phần trong lễ, không hát hết như: nhập lễ, bộ lễ, hiệp lễ. Trong cả hai trường hợp, tham dự tích cực là hát chung những phần dành cho mình.

C. Tham dự lễ đọc:

28-34. Có ba cách:
a. Tham dự bên trong, bên ngoài, nghĩa là chú ý đến những phần chính yếu của lễ hay theo dõi lễ trong Sách lễ Giáo dân. Bây giờ không cần sử dụng Sách lễ Giáo dân trong lễ nữa, vì tất cả đều đọc bằng tiếng bản quốc nên ai cũng hiểu được.
b. Đọc những kinh chung và hát chung. Những kinh và bài hát phải phù hợp với các phần trong Thánh lễ.
c. Thưa đối đáp với Chủ tế và đọc các kinh dành để đọc chung như: Thương xót, Vinh danh, Lạy Cha…

35-47. …

Chương III-2. Mấy loại Thánh nhạc

A. Đa âm hợp xướng:

48. Trước khi đem những bài hát này vào Phụng vụ, kể cả những bài cũ cũng như mới, phải xem những bài hát ấy có đáp ứng những quy luật nói đến trong Thông điệp “Kỷ luật về Thánh nhạc” về bố cục và sáng tác hay không? Khi không rõ thì phải hỏi ý kiến Ủy ban Thánh nhạc.

49. Các tài liệu cổ xưa về nghệ thuật này còn nằm trong các hồ sơ, nên phải tìm kiếm cẩn thận. Nếu cần thì phải có những biện pháp thích ứng để bảo tồn và in ấn, hoặc để phê bình, hoặc để đưa vào dùng trong Phụng vụ. Công việc này phải do các nhà chuyên môn đảm nhận.

B. Thánh nhạc hiện đại:

50. Chỉ được dùng các tác phẩm Thánh nhạc hiện đại trong Phụng vụ, nếu các tác phẩm ấy phù hợp với các quy luật về Phụng vụ và Thánh nhạc bàn giải trong Thông điệp “Kỷ luật về Thánh nhạc”. Vấn đề này để tùy Ủy ban Thánh nhạc Giáo phận phán quyết.

C. Ca khúc bình dân tôn giáo:

51. Phải ân cần cổ động và giới thiệu các ca khúc bình dân tôn giáo. Các ca khúc này làm cho đời sống Kitô hữu thấm nhuần tinh thần tôn giáo và nâng cao tâm hồn tín hữu.

Các ca khúc này chiếm một địa vị riêng trong mọi dịp lễ lạc Kitô giáo, nơi công cộng hay trong chốn gia đình và ngay cả trong các công việc hàng ngày nữa. Nhưng các ca khúc ấy có một vị trí đặc biệt trong các việc đạo đức ở nhà thờ hay ngoài nhà thờ, và đôi khi cũng có thể đưa vào chính các lễ nghi Phụng vụ, theo những luật đã nói ở số 13-15.

52. Nhưng muốn đạt được mục đích này các ca khúc ấy phải hoàn toàn phù hợp với Giáo lý Công giáo, phải trình bày và giải thích đúng giáo lý ấy, phải dùng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, một loại âm nhạc đơn sơ. Vì vậy phải tránh những lời lẽ rườm rà, những câu văn kêu mà trống rỗng. Cuối cùng dù vắn và dễ, các ca khúc ấy vẫn phải có một cái gì là nghiêm trang, xứng đáng. Các vị Bản quyền phải cẩn thận canh chừng lo sao cho những quy luật này được áp dụng chu đáo.

53. Những ai lưu tâm đến vấn đề này nên thu tập các ca khúc bình dân tôn giáo lại, rồi ấn hành cho giáo dân sử dụng sau khi đã được các vị Bản quyền phê chuẩn.

D. Nhạc có khởi hứng và tâm tình đạo:

54. Cũng phải quý trọng và trau giồi thứ âm nhạc này, dù nó không được đưa vào Phụng vụ vì tính cách riêng của nó, nhưng chúng có sức khơi gợi những tâm tình đạo đức nơi thính giả, và làm cho đạo sống động, vì thế mới gọi là nhạc có khởi hứng và tâm tình đạo.

55. Nơi xứng hợp cho loại nhạc này, là phòng hòa nhạc, phòng hội hơn là nhà thờ. Nơi nào không có phòng hòa nhạc hay những phòng khác thích hợp và nếu một buổi hát hay hòa nhạc như thế có thể mang lại lợi ích thiêng liêng cho tín hữu thì Đấng bản quyền có thể cho phép diễn ra ở nhà thờ với điều kiện sau:

a. Muốn tổ chức một buổi hòa nhạc bất cứ thuộc loại nào, phải có phép ký trên văn thư của Đấng bản quyền.

b. Trước khi được phép, phải có văn thư xin phép, nêu rõ thời gian khai diễn cuộc hòa nhạc, danh mục tác phẩm, danh sách nghệ sĩ (nhạc trưởng, nhạc sĩ, tác giả).

c. Đấng bản quyền không được cho phép mà không xem xét những tác phẩm đề nghị có gì độc đáo về nghệ thuật đích thực và về lòng đạo đức sốt sắng, chân thành, sau khi đã hỏi ý kiến Ủy ban Thánh nhạc và các nhà chuyên môn. Ngoài ra cũng phải xem những người biểu diễn có những tư cách nói ở số 97-98 không?

d. Phải cất Mình Thánh đi hay để ở một nơi nào xứng đáng như bàn thờ cạnh hay Phòng thánh. Nếu không thì phải báo cho mọi người biết nhà thờ có Mình Thánh để ai nấy cẩn thận giữ sự nghiêm trang, cung kính.

e. Nếu bán vé hay phát chương trình thì phải bán hay phát ở ngoài nhà thờ.

f. Mọi người đến biểu diễn hay tham dự phải ăn mặc xứng hợp với nơi thiêng thánh.

g. Tùy hoàn cảnh nên chăng, có thể kết thúc buổi trình diễn bằng một việc đạo đức hay mất phút Chầu Phép lành, để kiện toàn mục đích của buổi trình diễn là nâng cao tâm hồn mọi người lên cùng Chúa.

Chương III-3. Các sách hát Phụng vụ

56. Các sách hát Phụng vụ của Hội thánh Rôma đã ấn hành cho đến bây giờ là Sách hát Rôma với phần thường lễ, sách Đối ca Rôma dùng hát các giờ kinh Phụng vụ, sách Nghi thức an táng và cầu hồn, Tuần thánh và Sinh nhật Chúa Giêsu Kitô.

57. Tòa Thánh dành quyền sở hữu và sử dụng các bài bình ca trong các sách Phụng vụ Rôoma được Tòa Thánh phê chuẩn.

58-59. …

Chương III-4. Nhạc khí và Chuông

A. Nguyên tắc chung về việc sử dụng các nhạc khí trong Phụng vụ:

60a. Vì bản tính và sự thánh thiện của Phụng vụ nên phải sử dụng các nhạc khí bất kể loại nào cho tới mức hoàn hảo. Thà bỏ hoàn toàn nhạc khí (Đại phong cầm hay các nhạc khí khác) chơi không ra gì. Và nói chung thà làm hay một việc nhỏ còn hơn là làm những việc to tát mà không đạt tới kết quả.

60b. Phải để ý đến sự khác biệt giữa nhạc đạo và nhạc đời. Có những nhạc khí như Đại phong cầm cổ điển chẳng hạn trực tiếp dùng cho Thánh nhạc, lại có những nhạc khí khác dễ thích hợp để sử dụng trong Phụng vụ như một số loại đàn dây và trái lại cũng có những thứ thích hợp riêng cho nhạc đời mà không thích hợp cho Phụng vụ.

Cuối cùng, chỉ được dùng những nhạc khí mà nhạc sĩ tự mình chơi, chứ không được dùng các nhạc khí điện tử tự động.

B. Đàn phong cầm cổ điển và các nhạc khí tương tự:

61. Đàn Phong cầm hay đàn ống vẫn là nhạc khí chính yếu trang trọng dùng trong các nhà thờ thuộc Hội thánh Rôma.

62. Đàn Phong cầm dùng trong Phụng vụ dù nhỏ cũng phải làm theo những quy luật của nghệ thuật và có những âm thanh xứng hợp để dùng cho việc thờ phượng, phải được làm phép theo nghi thức trước khi đem ra sử dụng, và vì là một vật thánh, nên phải chăm sóc, gìn giữ cẩn thận.

63. Ngoài ra cũng được dùng các loại đàn phong cầm khác (như đàn harmonium), miễn là âm thanh vang và tốt, xứng hợp với việc thờ phượng.

64. Đàn điện tử cũng có thể được dùng tạm thời, nếu chưa có đủ phương tiện mua sắm Đại phong cầm ống (dù nhỏ). Nhưng trong mỗi trường hợp đều phải có phép của Đấng Bản quyền. Vị này phải hỏi ý Ủy ban Thánh nhạc hoặc các nhà chuyên môn trước. Ủy ban và các nhà chuyên môn sẽ đưa ra ý kiến và những lời bàn thích hợp để làm cho nhạc cụ này có thể dùng được một cách xứng hợp hơn trong Phụng vụ.

65. Những người chơi nhạc khí, nói ở số 61-64, phải thông thạo đủ để đệm cho các bài hát hoặc chơi những bài đàn Phong cầm độc tấu hay. Hơn nữa nhiều khi trong các lễ nghi Phụng vụ cần phải chơi những bài cho thích hợp với hoàn cảnh, xứng hợp với từng lúc trong buổi lễ, nên họ phải biết rõ và có kinh nghiệm về các quy luật của đàn Đại phong cầm và Thánh nhạc nói chung. Những người này cũng phải kính cẩn, giữ gìn những nhạc khí đã được giao phó cho mình. Khi ngồi bên phím đàn trong lúc cử hành nghi lễ, họ phải ý thức về vai trò tích cực của mình để tôn vinh Chúa và thêm lòng đạo đức cho các tín hữu.

66. Khi đệm đàn các bài hát, hoặc khi chơi các bản đàn, phải liệu sao cho hợp với mùa Phụng vụ và ngày Phụng vụ, cũng như bản tính các hành động Phụng vụ, các việc đạo đức và từng phần của những hành động ấy.

67. Trừ thói quen, hay vì một lý do nào khác đã được Đấng Bản quyền chấp thuận ấn định khác, đàn Đại Phong Cầm phải đặt ở gần bàn thờ chính, nhưng luôn luôn ở một nơi khiến cho các ca viên và nhạc sĩ ở khán đài không bị giáo dân trong nhà thờ nhìn thấy.

C. Dàn nhạc:

68. Khi cử hành Phụng vụ, nhất là trong những ngày lễ lớn, ngoài Đại phong cầm ra, còn có thể sử dụng nhiều nhạc khí khác, đặc biệt đàn dây, hoặc với Đại phong cầm hoặc không, để hòa tấu hoặc để đệm bài hát, nhưng phải tuân hành chặt chẽ các quy luật rút ra từ những nguyên tắc đã trình bày ở trên (60), nghĩa là:

a. Dùng những nhạc khí thích hợp cho Phụng vụ.

b. Âm thanh của những nhạc khí này phải đượm màu trang trọng, rất mực trong sáng để tránh những vẻ nhạc đời, đồng thời khơi gợi lòng sốt sắng của giáo dân.

c. Nhạc trưởng, nhạc công phải thành thạo các quy luật Thánh ca và các quy luật về việc sử dụng nhạc khí.

69. Các vị Bản quyền, qua trung gian Ủy ban Thánh nhạc, phải cẩn thận canh chừng cho những quy luật về việc sử dụng nhạc khí trong Phụng vụ được thi hành nghiêm túc. Các ngài cũng đừng quên ấn định những luật lệ riêng thích hợp với hoàn cảnh và thói quen về vấn đề này.

D. Các nhạc khí và máy tự động:

70. Phải loại ra ngoài mọi lễ nghi Phụng vụ và các việc đạo đức những nhạc khí mà theo lối sử dụng và phê phán chung chỉ thích hợp cho nhạc đời.

71. Việc sử dụng các máy tự động như: Đại phong cầm tự động, máy ghi âm, máy thu thanh, máy quay đĩa hát và các loại tương tự không được dùng trong Phụng vụ và các việc đạo đức, dù diễn ra ở ngoài hay ở trong nhà thờ, kể cả khi chỉ dùng để truyền thanh các bài giảng thuyết hoặc các bài thánh ca nhằm thay thế hoặc yểm trợ tiếng hát của ca đoàn hay cộng đoàn.

Nhưng được phép dùng các máy này ngay trong nhà thờ, ngoài các lễ nghi Phụng vụ hay các việc đạo đức, để nghe Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục Giáo phận hay các nhà thuyết giảng nói, hoặc để dạy giáo lý, hay tập hát cho giáo dân, hoặc để giữ cung nhịp hát cho giáo dân khi họ đi kiệu ở ngoài nhà thờ.

72. Được phép dùng các máy phóng thanh trong các lễ nghi Phụng vụ và các việc đạo đức để khuếch đại tiếng nói của chủ tế, của người dẫn giải hay của những người được vị quản nhiệm nhà thờ giao cho nói về nghi thức hay điều khiển trật tự…

73. Cấm, không được dùng các máy chiếu phim, quay phim câm hay nói trong các nhà thờ vì bất cứ lý do gì, dù với mục đích tăng thêm lòng đạo đức sốt sắng, hay vì mục đích từ thiện.

Phải coi chừng khi xây cất hay xếp đặt các phòng hội, đặc biệt các phòng chiếu bóng gần nhà thờ hay dưới nhà thờ, vì thiếu chỗ, đừng để cho cửa những phòng ấy mở vào phía nhà thờ, để tránh tiếng động làm xáo trộn bầu khí thánh thiện và yên lặng của nơi thánh.

Đ. Tiếp vận các lễ nghi Phụng vụ qua đài phát thanh và truyền hình:

74. Phải có phép rõ ràng của Đức Giám mục giáo phận mới được tiếp vận các lễ nghi Phụng vụ và các việc đạo đức diễn ra ở bên trong hay bên ngoài nhà thờ qua đài phát thanh và truyền hình. Vị này chỉ có thể cho phép sau khi đã nhận thấy trước những điều sau đây:
a. Các bản đàn hát đáp ứng các luật lệ của Thánh nhạc và Phụng vụ.
b. Nếu là truyền hình, thì những người đóng các vai Thừa tác viên phải được chuẩn bị đủ để cử hành các lễ nghi cho xứng đáng và phải hoàn toàn phù hợp với các luật lệ, nghi thức.

Đức Giám mục giáo phận có thể ban phép này một cách thông thường cho những buổi phát hình diễn ra thường xuyên tại cùng một nhà thờ, nếu sau khi đã nghiên cứu kỹ mà thấy rằng mọi yêu cầu đều được đáp ứng nghiêm chỉnh.

75. Các máy dùng để phát hình nên hết sức tránh đặt trên cung thánh, không nên đặt gần bàn thờ đến nỗi làm cản trở các nghi lễ.

Các thao tác viên phải giữ sự nghiêm trang xứng với nơi thờ phượng và lễ nghi thiêng thánh và không được làm cho các người tham dự chia trí, nhất là lúc cần phải giữ sự yên tĩnh đặc biệt.

76. Điều vừa nói cũng áp dụng cho những người chụp ảnh, mà lại càng phải lưu ý vì họ và máy móc của họ dễ di chuyển hơn.

77. Các vị quản nhiệm nhà thờ phải lo cho những điều nói ở số 75-76 được thi hành nghiêm túc. Các vị Bản quyền sở tại không được bỏ qua không ấn định những luật lệ chính xác hơn, khi hoàn cảnh đòi hỏi.

78. Khi cử hành lễ truyền thanh, truyền hình mà không có người hướng dẫn thì chủ tế đọc cao cung hơn một chút những chỗ luật chữ đỏ bảo phải đọc nhỏ tiếng và đọc lớn hơn bình thường, để thính giả dễ nghe và dễ theo.

79. Trước buổi truyền thanh và truyền hình phải nhắc cho khán thính giả rằng: dự lễ qua đài truyền thanh và truyền hình không thay thế được luật buộc phải đến nhà thờ dự lễ ngày Chúa nhật.

E. Những mùa và lúc không được chơi nhạc khí:

80. Đại phong cầm cũng như các nhạc khí khác là cốt ý tô điểm cho Phụng vụ. Việc sử dụng những thứ này phải phù hợp với mức độ hân hoan của mỗi ngày Phụng vụ và mỗi mùa Phụng vụ.

81. Vì vậy, trừ khi chầu Phép lành, còn trong các lễ nghi Phụng vụ, cấm chơi nhạc khí:

a. Trong mùa Vọng, từ Kinh Chiều I Chúa nhật I Mùa Vọng đến Lễ Vọng Giáng sinh.

b. Trong mùa Chay, từ Thứ tư Lễ tro đến kinh Vinh danh đêm Lễ vọng Phục sinh.

c. Khi đọc kinh hoặc cử hành lễ cho người đã qua đời.

82-85. Nhưng được phép chơi đàn và các nhạc khí khác:
a. trong các ngày lễ trọng, lễ kính, lễ bổn mạng chính của một nước, một miền, một nơi; trong ngày lễ kỷ niệm Cung hiến Thánh đường, ngày Lễ Đấng sáng lập dòng tu hay một lễ đặc biệt nào ngoại lệ.
b. trong Chúa nhật III mùa Vọng, Chúa nhật IV mùa Chay, và lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
c. để đệm hát trong lễ và kinh chiều.

G. Chuông:

86-92. Trước khi dùng chuông, phải làm phép và coi đó như một đồ vật thánh, nên phải giữ gìn cẩn thận và tỏ lòng cung kính.

Các vị Bản quyền phải ra luật ấn định cách dùng chuông cho phù hợp với mục đích và công dụng. Các loại chuông chùm phát ra một điệu nhạc riêng không được sử dụng trong khi cử hành Phụng vụ. Các chuông nhỏ chỉ cần làm phép thường thôi.

Chương III-5. Những người đóng vai trò chính trong Thánh nhạc và Phụng vụ

93. Linh mục chủ tế chủ tọa mọi lễ nghi Phụng vụ, còn những người khác thì tham dự theo cung cách riêng. Vì thế:

a. Các thầy giáo sĩ tham dự các lễ nghi theo luật lệ chữ đỏ ấn định là thi hành một chức vụ Thừa tác riêng và trực tiếp, do phép Truyền chức ban cho.

b. Do dấu ấn Phép rửa, giáo dân tham dự tích cực Phụng vụ, nên trong Thánh lễ, họ cũng dâng lễ phẩm lên Chúa Cha cùng với Linh mục theo một cung cách riêng.

c. Giáo dân phái nam, được giáo quyền ủy thác cho công việc phụ trách Thánh nhạc, nếu thi hành công tác này theo các hình thức ấn định và luật lệ chữ đỏ là thi hành một chức vụ thừa tác trực tiếp, nhưng được ủy nhiệm với điều kiện là phải lập thành ban hát hay ca đoàn.

94. Linh mục chủ tế và các Thừa tác viên có chức thánh, ngoài việc tuân hành các luật chữ đỏ, còn phải cố hát cho đúng, rõ ràng và êm ái những phần phải hát.

95. Khi chọn người cử hành Phụng vụ thì phải chọn những người biết hát và hát hay trước, nhất là khi có lễ trọng hay gặp những lễ có bài hát khó hát, hay là phải hát trong những lễ có truyền thanh, truyền hình.

96. Giáo dân sẽ dễ tham dự tích cực, nhất là trong Thánh lễ và những buổi cử hành phức tạp hơn, nếu có người Dẫn lễ nói vắn tắt vào những lúc thuận tiện, giải thích các nghi thức hay các lời nguyện và bài đọc của chủ tế hay của các Thừa tác viên có chức thánh, hướng dẫn cho giáo dân tham dự, nghĩa là điều động họ thưa đáp và hát những câu tung hô, những phần dành riêng cho họ:

+ Nếu là Linh mục hay giáo sĩ, người hướng dẫn phải mặc áo các phép, đứng ở cung thánh, trên bục giảng; nếu là giáo dân thì phải đứng đối diện với cộng đoàn, ở chỗ nào xứng hợp hơn cả, nhưng không phải ở trên cung thánh hay trên bục giảng.

+ Người hướng dẫn phải soạn trước những điều diễn giải và phải viết vắn gọn trên giấy, nói đúng lúc, cung giọng vừa phải, cốt ý giúp cho giáo dân sốt sắng, chứ không được làm cho người ta chia trí.

+ Khi hướng dẫn cầu nguyện, phải nhớ những điều đã nói ở số 14c.

97. Tất cả những ai có một phần việc nào trong Thánh nhạc: như sáng tác, đệm đàn, điều khiển, hát xướng và nhạc sĩ, trước hết phải nêu gương đời sống Kitô hữu cho những người khác, vì họ là những người trực tiếp và gián tiếp tham gia Phụng vụ.

98. Ngoài những phẩm chất đức tin và đời sống Kitô hữu, họ phải được huấn luyện ít nhiều về Phụng vụ và Thánh nhạc, tương xứng với điều kiện và mức độ tham gia của họ vào Phụng vụ, nghĩa là:

a. Các người đệm đàn và điều khiển Ca đoàn phải biết đủ Phụng vụ và tiếng La-tinh, lại phải thành thạo ngành nghề của mình để có thể đảm đương trách nhiệm một cách xứng đáng và có sở trường.

b. Các tác giả hay các nhà soạn Thánh nhạc phải hiểu biết khá đầy đủ về lịch sử Phụng vụ, tín lý và luật lệ chữ đỏ, lại phải thông thạo tiếng La-tinh và hiểu biết rõ về nhạc đạo, cũng như nhạc đời, kể cả lịch sử âm nhạc nữa.

c. Các ca viên lớn nhỏ phải được dạy cho biết các lễ nghi và các bản văn họ hát phải tùy theo khả năng, để họ có thể diễn tả bài hát một cách thông minh và có tâm tình, như nhiệm vụ của những người hát hay đòi hỏi. Họ phải được tập đọc tiếng La-tinh cho đúng và rõ ràng. Các vị quản nhiệm nhà thờ hay những người có trách nhiệm phải liệu sao cho nơi ca viên đứng ngồi để hát được trật tự và có bầu khí sốt sắng chân thành.

d. Cuối cùng các nhạc sĩ cử hành Thánh nhạc, ngoài việc phải chơi thạo nhạc khí của mình theo đúng luật lệ, lại phải biết thích ứng ngón chơi của mình với Thánh nhạc và phải biết đủ về các vấn đề Phụng vụ, để có thể kết hợp việc trình diễn với lòng đạo đức sâu xa.

99. Rất nên có riêng một ca đoàn hay một ban hát cố định tại các Nhà thờ Chánh tòa, hay ít ra tại các nhà thờ họ đạo hoặc nhà thờ quan trọng khác, để có thể bảo đảm hữu hiệu công việc hát xướng theo các luật lệ nói ở số 93a và 93c.

100. Nơi nào không thể thành lập một Ca đoàn như thế được, thì được phép lập một Ca đoàn giáo dân hỗn hợp, hay chỉ gồm các phụ nữ và thiếu nữ mà thôi. Một Ca đoàn như thế phải xếp ở nơi thích hợp ngoài cung thánh; nam giới phải tách biệt nữ giới để tránh mọi sự bất tiện. Các vị Bản quyền phải đặt luật xác định rõ rệt cho các vị quản nhiệm các nhà thờ đem ra áp dụng.

101. Rất ước mong và khuyến khích các nhạc công, ca trưởng, ca viên, nhạc sĩ và mọi người phục vụ nhà thờ thi hành những dịch vụ này vì lòng mến Chúa, không đòi thù lao trong tinh thần đạo đức sốt sắng. Nếu họ không thể làm không công được, thì đức công bình và bác ái đòi các vị bề trên phải trả thù lao cân xứng cho họ, dựa vào các thói tục địa phương đã được phê chuẩn và luật phần đời ấn định.

102. Các Đấng bản quyền, sau khi hỏi ý kiến Ủy ban Thánh nhạc, nên đặt một bản ấn định trong khắp địa phận về tiền thù lao phải trả cho những người nói trên.

103. Cũng phải thực hành những điều cần thiết về an ninh xã hội cho những người này theo luật dân sự, nếu có, và nếu không thì theo luật do Đấng bản quyền đặt ra.

Chương III-6. Học hỏi Thánh nhạc và Phụng Vụ

A. Huấn luyện chung cho giáo sĩ và giáo dân về Thánh nhạc và Phụng vụ:

104. Thánh nhạc liên hệ chặt chẽ với Phụng vụ. Hát thánh ca là một thành phần làm nên Phụng vụ, và hát những bài hát đạo là một hình thức rất phổ biến, khi làm các việc đạo đức cũng như đôi khi trong các lễ nghi Phụng vụ. Do đó, Thánh nhạc không thể tách rời Phụng vụ và cả hai thuộc về đời sống Kitô hữu, trong những mức độ khác nhau, theo những quy chế và ấn định cho giáo sĩ và giáo dân. Vì thế mọi người phải được huấn luyện ít nhiều về Thánh nhạc và Phụng vụ hợp với hoàn cảnh của mình.

105. Trường học tự nhiên đầu tiên là gia đình Công giáo. Vậy phải dạy cho trẻ em biết tham dự các việc đạo đức và các lễ nghi Phụng vụ, nhất là Thánh lễ, và tập cho chúng biết và thích những bài hát đạo ở gia đình cũng như trong nhà thờ.

106. Trong các trường tiểu học và trung học phải lo giữ những điều sau đây:

a. Nếu trường do người Công giáo điều khiển và có thể theo quy chế riêng thì liệu sao cho trẻ học những bài hát đạo ở nhà trường, cho chúng hiểu Thánh lễ, biết tham dự và biết hát.

b. Nếu là trường công thì các Đấng bản quyền phải ra chỉ thị cho các người có trách nhiệm biết dạy cho con em những điều cần thiết về Phụng vụ và Thánh ca.

107. Điều nói về trường tiểu học lại càng cần thiết hơn nữa đối với các trường trung học là nơi con em chúng ta phải đạt tới mức độ trưởng thành cần thiết, để sống đời sống xã hội và tôn giáo của chúng cho xứng hợp.

108. Trong các trường Đại học và Viện cao đẳng lại càng phải đẩy mạnh công việc huấn luyện Phụng vụ và Thánh nhạc tới một trình độ cao hơn nữa. Các Linh mục Tuyên úy sinh viên phải cố gắng giúp cho họ hiểu biết và tham dự Phụng vụ tích cực hơn nữa. Nhằm mục đích đó trong mức độ hoàn cảnh cho phép nên tổ chức cho họ những Thánh lễ dưới hình thức nói đến ở số 26 và 31.

109. Nếu giáo dân cũng cần phải biết Phụng vụ và Thánh nhạc thì những người trẻ đang chuẩn bị làm Linh mục càng phải được huấn luyện đầy đủ và chắc chắn về Phụng vụ và Thánh nhạc hơn nữa.

110. Các tu sĩ nam nữ cũng như các thành viên của các tu hội đời, ngay từ lúc còn ở nhà tập đã phải được huấn luyện từ từ và vững chắc về Phụng vụ và thánh nhạc. Phải liệu sao cho trong dòng hay trường dòng có những người có thể dạy dỗ, hướng dẫn hát Thánh ca và đệm đàn khi cử hành Phụng vụ.

Các bề trên phải lưu ý cho trong cộng đoàn của mình, chẳng những các người có khiếu đặc biệt, mà tất cả tu sĩ ai cũng được huấn luyện vừa đủ về Thánh ca.

111-112. Có những nhà thờ vì địa điểm và tầm quan trọng, như các xứ lớn, nhà thờ Chánh tòa hay các Trung tâm Hành hương phải cử hành và hát Thánh ca long trọng đặc biệt hơn. Ai có trách nhiệm tại những nơi đó phải hết sức chuyên cần và chu đáo lo cho các nghi lễ được cử hành xứng đáng và đàn hay hát đúng.

B. Các viện công hoặc tư giúp phát triển Thánh nhạc:

113. Các Cha sở phải liệu cho có người giúp các lễ nghi: trẻ em, thanh niên, hoặc những người đứng tuổi đều được cả, miễn là có lòng đạo đức, thông thạo lễ nghi và được huấn luyện khá về Thánh ca.

114. Đặc biệt có Viện Thiếu nhi ca hát. Viện này đã được Tòa Thánh nhiều lần khen ngợi.

Vậy rất ước mong các nhà thờ cố gắng lập ra các đoàn thiếu nhi, biết PV khá, và nhất là biết hát hay và sốt sắng.

115. Hơn nữa, cũng khuyên mỗi địa phận nên có một Viện hay một Trường dạy hát và đàn Phong cầm, để huấn luyện nhạc công chơi đàn này, huấn luyện ca trưởng, ca viên và các nhạc sĩ nữa.

Nếu cần, nhiều Giáo phận nên hợp sức với nhau để thành lập Viện này. Các Cha sở nên gởi người đến học và ủng hộ công việc học hành của những người này cho thích đáng.

116. Phải hết sức quý chuộng lợi ích của những Viện cao đẳng nhằm cung cấp cho các học viên những kiến thức sâu xa về Thánh nhạc. Đứng đầu phải kể Viện Thánh nhạc Rôma do Đức Thánh Cha Piô X thành lập.

Các vị Bản quyền phải lưu tâm gửi đến những Viện này, nhất là Viện Thánh nhạc Rôma, những Linh mục có sở thích và năng khiếu về Thánh nhạc.

117. Ngoài những Viện dạy Thánh nhạc, còn nhiều tổ chức được thành lập mang tên thánh Gregôriô Cả hay thánh Cécilia hay nhiều vị thánh khác, mà mục đích là nghiên cứu Thánh nhạc dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ chỗ có nhiều tổ chức và Hiệp hội Thánh nhạc trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, chắc chắn khoa Thánh nhạc sẽ được hưởng nhờ nhiều lợi ích.

118. Trong một Địa phận phải có một Ủy ban riêng về Thánh nhạc. Các thành viên của Ủy ban này: Linh mục hay giáo dân đều phải được Đấng bản quyền cắt cử. Vị này phải chọn những người hiểu biết khá về các loại Thánh nhạc, cả lý thuyết lẫn thực hành. Nếu các vị Bản quyền nhiều giáo phận thành lập một Ủy ban chung cũng không có gì trở ngại.



Rôma, ngày lễ Thánh Piô X, 03/09/1958

+ Amleto Giovanni Cicognani
Hồng Y
Bộ trưởng Thánh bộ Nghi Lễ


+ A. Carinci
Tổng Giám mục hiệu toà Seleucia
Thư ký Thánh bộ Nghi Lễ