NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
NÓI VỚI CÁC BẠN TÔI
VỀ NHẠC VÀO ĐỜI

Lời mở: Mới đây trong hộp thư của Nhóm Ca Trưởng, nhiều anh chị đã đặt ra với Nhóm những thắc mắc liên quan đến nhạc Vào Đời (Tại sao gọi là nhạc Vào Đời? Có được hát trong Phụng vụ không? Làm thế nào để nhận diện một bài ca Vào Đời? v.v...), vốn từ lâu nay đã là đề-tài-chưa-tận cho những bài viết. Là một "fan" của Nhạc Vào Đời từ những ngày loại nhạc này mới khai sinh, là một tác giả của một vài ca khúc Vào Đời, và là Ca trưởng của một Ca đoàn với đa số thành viên là những bạn trẻ, tôi xin gởi đến các Ca-trưởng-bạn-tôi một ít hiểu biết khiêm tốn (phần lớn dựa trên ký ức), một vài cảm nghĩ của riêng cá nhân tôi về nhạc Vào Đời và những câu chuyện liên quan. Trong bài viết, để tránh sự ngộ nhận về cách sử dụng từ ngữ, bài ca Vào Đời (nhạc Vào Đời) có ý ám chỉ những bài ca sử dụng ngoài các nghi thức Phụng vụ, và thánh ca Phụng vụ là những bài ca được phép dùng trong Phụng vụ. Nhân tiện, tôi cũng xin chân thành cám ơn quí anh chị đã nêu lên những thắc mắc cụ thể gợi hứng cho tôi viết nên bài chia sẻ này.

* * *

Vào mùa hè năm 1966, một số thầy thuộc Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt vốn giỏi về đàn ca xướng hát đã qui tụ lại với nhau thành một ban nhạc lấy cái tên Pháp là "Les Alléluias". Hiện nay, một vài tên tuổi trong ban nhạc này khá quen thuộc với phần đông chúng ta, đó là các Linh Mục Nhạc Sĩ Thành Tâm, Trần Sĩ Tín, Hoàng Đức, Tiến Lộc, Vũ Khởi Phụng, v.v... Đường hướng sinh hoạt của Les Alléluias lúc bấy giờ là dùng nguồn cảm hứng từ Thánh kinh, Thánh vịnh, sáng tác những bài ca "đưa đạo vào đời", để rồi đem trình bày, phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội đời thường: từ các giáo xứ, các họ đạo đến các dòng tu, các trường học và các công xưởng...

Hẳn chính đây là thời điểm bắt đầu cho cái tạm gọi là trào lưu của nhạc Vào Đời tại Việt Nam. Hai chữ "Vào Đời" được phát sinh từ tựa đề bài hát Vào Đời của LM Thành Tâm và LM Trần Sĩ Tín, cũng như từ tên của hai tập nhạc Vào Đời 1, Vào Đời 2 và hai băng nhạc cùng tên do Les Alléluias thực hiện, bao gồm những bài ca do chính các thành viên sáng tác, như Vào Đời, Người Gieo Giống, Bạn Đường, Họp Nhau Trong Khúc Hát, Xuất Hành, Alleluia Hát Lên Người Ơi, Trên Đường Emmau, Bước Người Đi Qua, Sao Đêm, Được Sai Đi... Vì giai điệu và tiết tấu của những bài ca này mang nhiều sắc thái mới lạ và trẻ trung của nhạc Rock và nhạc Nam Mỹ với SlowRock, Twist, Tango, Rhumba, Valse... vốn đang được giới trẻ Việt Nam lúc bấy giờ yêu thích, nên ngay từ những ngày tháng đầu xuất hiện, những bài ca Vào Đời này sớm gặt hái được nhiều thành công và gây nên nhiều tiếng vang trong giới ca nhạc Công giáo Việt Nam, cũng như đã có ít nhiều ảnh hưởng trên một số tác giả sáng tác nhạc Vào Đời sau này.

Một vài sắc thái đặc biệt (không thích hợp cho lối suy luận ngược lại!) để nhận diện một bài ca Vào Đời thời bấy giờ (1) là tiết điệu Twist, Rhumba, SlowRock... được ghi ở đầu bài hát; (2) là tính cách kịch trường, dùng nhiều quãng lớn liên tiếp (Alleluia Hát Lên Người Ơi) với nhịp phách bất thường, như đảo phách, nghịch phách (Người Gieo Giống, Xuất Hành) của giai điệu; (3) là lời ca mới lạ, nếu không là những chuyện kể từ Tin Mừng (Vào Đời, Người Gieo Giống...) theo một lối diễn tả mới, một văn phong mới, thì là những tâm tình cầu nguyện qua những hình ảnh rất đời thường, đôi khi chỉ có tính cách cá nhân (Sao Đêm, Tôi Tin, Làm Sao Dám Mơ...); (4) và sau cùng là giai điệu và tiết tấu của bài ca tạo sự thuận tiện cho ban nhạc với trống, keyboard, guitars, accordion, saxophone, trumpet... khi trình tấu.

Thành thực mà nói, ban nhạc Les Alléluias và những bài ca Vào Đời của họ thực sự đã khởi xướng thành công một hoạt động Tông đồ mới mẻ, là đem đạo vào đời, đem Tin Mừng rao truyền đến tận hang cùng ngõ hẻm và khơi dậy niềm tin yêu nơi những tâm hồn trẻ bằng những giòng nhạc tươi vui. Họ thực sự đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào nền ca nhạc Công giáo Việt Nam (tôi không có ý nói đến nền Thánh Nhạc chân chính ở đây!), vào giới ca đoàn, giới trẻ, giới lao động và cả giới thượng lưu; và chắc chắn, không nhiều thì ít, tầm ảnh hưởng của họ sẽ vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, ở hải ngoại cũng như ở quốc nội.

NHƯNG... (chữ "nhưng" thật vô duyên, thật dễ ghét!!) có một điều vô cùng đáng tiếc, đó là không phải các thành viên của ban nhạc Les Alléluias sau những tháng năm thành công đã vội đổi chủ trương, thay đường hướng, cũng không phải những bài ca Vào Đời của họ không còn người hâm mộ, không còn "fans", nên đi tìm một môi trường mới với những "fans" mới, mà là chính những người hâm mộ Les Alléluias, hâm mộ những bài ca Vào Đời của họ, và là chính giới Ca Trưởng chúng ta đã du nhập những bài ca này vào trong nhà thờ, nói rõ hơn là vào trong Thánh lễ, trong các nghi thức Phụng vụ, và hoà lẫn những bài ca Vào Đời với thánh ca Phụng vụ. Tôi nói "vô cùng đáng tiếc" vì việc làm này quả thực là một sai lầm! Gọi là sai lầm, bởi vì đó chắc chắn không phải là dụng ý của ban nhạc Les Alléluias và của cả những tác giả viết nhiều nhạc Vào Đời sau này như LM Văn Chi, LM Nguyễn Văn Tuyên, LM Duy Thiên, v.v... Gọi là sai lầm, bởi vì "đất dụng võ", môi trường sinh hoạt của những bài ca Vào Đời không phải trong Thánh lễ hay trong các nghi thức Phụng vụ, mà là trong các sinh hoạt đạo đức ngoài Phụng vụ, hay trong những sinh hoạt đời thường "từ cửa nhà thờ trở ra" (lối nói dí dỏm của LM Kim Long), theo đúng với cái tên gọi "Vào Đời" của những bài ca này. (xin mở ngoặc - Ngoài những bài ca Vào Đời, các tác giả kể trên còn sáng tác nhiều thể loại khác như bài ca Sinh hoạt, bài ca Giáo lý và thánh ca Phụng vụ. Điều này chứng tỏ rằng các ngài đã có từng chủ đích riêng cho từng thể loại sáng tác, và như thế, mỗi thể loại đều có vị trí và tầm quan trọng của nó trong toà nhà rộng lớn Ca nhạc Công giáo Việt Nam - xin đóng ngoặc). Chính cái "vô cùng đáng tiếc" là những sai lầm vừa kể trên đã "báo hại" những người sáng tác và cả những bài ca Vào Đời bị dư luận phê bình, chỉ trích. Lẽ ra "sao quả tạ" và cái "búa rìu dư luận" ấy phải chiếu - giáng xuống trên chúng ta là những Ca trưởng, những người lãnh nhiệm vụ chọn bài hát cho các Thánh lễ, các nghi thức Phụng vụ, mới đúng! Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!

Nhân nói đến chuyện "tội vu qui trưởng" của giới Ca trưởng chúng ta, xin phép lạm bàn thêm về những khó khăn khi nhận diện một bài hát. Làm thế nào để phân biệt một bài ca Vào Đời và một bài ca Phụng vụ? Quả thật là khó, nếu khi phổ biến, các tác giả không bằng một cách nào đó cho ghi chú rõ bài nào được và bài nào không được sử dụng trong Phụng vụ. Quả thật là khó, nếu khi phát hành, các tác giả hoặc các nhà xuất bản không in riêng rẽ các tập nhạc theo từng thể loại (như Nhóm Ca Lời Hằng Sống trước kia đã từng làm: series Ca Khúc Trường Sinh được in khổ lớn, chỉ gồm toàn những bài ca Vào Đời, và series Ca Khúc Lên Đền được in khổ nhỏ, chỉ gồm toàn những bài ca Phụng vụ), theo qui định của Ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN trong Thông Cáo số 2, ở đề mục 3a: "Để tránh lầm lẫn cho những người sử dụng, khi phát hành, cần xác định rõ là nhạc dùng trong Phụng vụ hay nhạc dùng cho các sinh hoạt khác. Không được in hai loại trong cùng một sách hay cùng một băng nhạc". Tuy nhiên, dựa trên căn bản là những Huấn thị, những Tự sắc, những Qui chế của Giáo hội về Phụng vụ - Thánh nhạc, và dựa theo kim chỉ nam là những qui định và những chỉ dẫn cụ thể trong 3 Thông Cáo của Ban Thánh Nhạc Việt Nam, chúng ta có thể nhận diện một bài thánh ca Phụng vụ hay một bài ca Vào Đời bằng một vài điểm dị biệt như sau: (1) ý tưởng và lời ca của một bài thánh ca Phụng vụ thường được rút tỉa từ Thánh kinh, Thánh vịnh và từ những bản văn Phụng vụ, còn ý tưởng và lời ca của một bài ca Vào Đời thường là do cảm hứng hoặc tự sáng tạo; (2) tâm tình thờ lạy, ngợi khen, cám tạ và cầu xin của những bài thánh ca Phụng vụ mang nhiều tính cách cộng đoàn hơn so với tính cách thiên về cá nhân ở những bài ca Vào Đời; (3) giòng nhạc ở những bài thánh ca Phụng vụ có tính cách đơn sơ, bình dị, trang nghiêm và phù hợp với khả năng của cộng đoàn, khác với giòng nhạc ở những bài ca Vào Đời có tính cách cầu kỳ, sôi nổi, phóng khoáng và đôi khi chỉ thích hợp cho ca sĩ hoặc cho một nhóm ca viên có khả năng; (4) một bài thánh ca Phụng vụ luôn đòi hỏi sự kiểm duyệt và cho phép sử dụng trong Phụng vụ của đấng Thẩm Quyền, nhưng một bài ca Vào Đời sử dụng ngoài Phụng vụ thường không có sự đòi buộc này.

Tưởng cũng nên lưu ý điều này là đứng dưới trướng của Ca trưởng, bên cạnh ca đoàn, ban nhạc đệm đóng một vai trò khá then chốt trong việc thi hành đúng hay sai việc đàn hát trong Phụng vụ. Như thế, họ cùng chia sẻ niềm hãnh diện với ca đoàn, với Ca trưởng khi được khen ngợi (hiếm lắm!), và ngược lại, phải cùng nhận lãnh trách nhiệm khi bị chỉ trích (không bao giờ hiếm!). Tại sao ư? Họ có đủ tài nghệ để "hô biến" bài ca Vào Đời "Alleluia Hát Lên Người Ơi" của Les Alléluias thành một bài Phụng Ca dùng trong Lễ Phục Sinh, với lối đệm nhạc nhẹ nhàng thích hợp; đồng thời họ cũng dư thừa khả năng để "bùa phép" bài ca Phụng vụ "Vang Lên Muôn Lời Ca" của LM Hoàng Kim thành một bài ca Vào Đời chính hiệu, với nhịp điệu quân hành Marche ở ĐK phối hợp với Fox Trot hoặc Pasodoble ở PK! Nói như thế, không những tôi không hề có ý chỉ trích hoặc đả kích bất cứ ban nhạc đệm nào, mà còn muốn đề cao cái vai trò và tầm quan trọng của họ trong các nghi thức Phụng vụ nữa.

Đến đây tôi chợt nghĩ tới những băng - dĩa nhạc và những chương trình Hội Diễn Thánh Ca gồm toàn những bài thánh ca Phụng vụ thuần túy được trình tấu bằng một lối đệm nhạc "có hơi khác" với lối đệm nhạc "không gây kích động, không gây huyên náo, và không bất xứng với nơi thánh" trong Thánh lễ, trong các nghi thức Phụng vụ. Đúng hay sai? Có lẽ chúng ta không nên quá khắt khe khi cần phải phê phán lối trình tấu hay cách đệm nhạc cho các bài ca Phụng vụ trong một băng nhạc, một dĩa nhạc, hay trong một đêm trình diễn Thánh Ca. Chủ đích của lối trình tấu và cách đệm nhạc ấy khác hẳn với chủ đích trong Thánh lễ hay trong các nghi thức Phụng vụ là nhạc đệm chỉ mang tính cách phụ hoạ cho lời ca để cùng tạo nên một bầu khí cầu nguyện thánh thiện, giúp cho các tín hữu nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Công bằng mà nói, đó chính là những sắc thái riêng, những vẻ đẹp riêng, đồng thời cũng là những đòi hỏi riêng của nghệ thuật thu âm và nghệ thuật trình diễn nhằm phục vụ giới thưởng thức âm nhạc nói chung và Thánh nhạc nói riêng. Thiết nghĩ lối trình tấu hay cách đệm nhạc đó không hề làm mất đi tính cách Phụng vụ của những bài ca. Thật vậy, một bài ca Phụng vụ (Đâu Có Tình Yêu Thương của LM Vinh Hạnh chẳng hạn), cho dù được cất lên giữa đám tiệc cưới vui nhộn, với trống kèn inh ỏi, vẫn không thể mất đi vẻ đẹp của một bài ca Phụng vụ; ngược lại, một bài ca Vào Đời (Bạn Đường, nhạc của Les Alléluias và lời của LM Thành Tâm chẳng hạn), cho dù được một ca đoàn thể hiện bằng lối hát "a cappella" không đàn không trống trong một nghi thức Phụng vụ, vẫn không giũ bỏ được nguyên bản chất là một bài ca Vào Đời, không thể “tự lột xác” biến thành một bài ca Phụng vụ được.

Điều trên đây khác hẳn với sự kiện này là có một số thánh ca Phụng vụ, sau khi được chuẩn nhận, đã được các nhà xuất bản hoặc chính tác giả cho in ấn với các tiết điệu (như Valse, SlowRock, Rhumba...) được ghi ở đầu bài. Làm sao đây? Thưa rằng chẳng làm sao cả! Cái tiết điệu ghi ở đầu một bài ca Phụng vụ đâu có thể nào làm bài ca ấy mất đi tính cách Phụng vụ được; đó cũng đâu phải là một thứ rào cản, một thứ vật chướng, hay một thứ "taboo" để chúng ta cần phải lánh xa cả bài ca! Chẳng phải là uổng phí hay sao nếu chúng ta loại bỏ đi một bài ca (đã được phép sử dụng trong Phụng Vụ, và có thể là "khá hay" nữa) chỉ vì cái tiết điệu vốn được qui định không nên dùng khi đệm nhạc trong Phụng vụ? Vậy thì chúng ta cứ hát những bài ca đó với lối trình tấu và cách đệm nhạc thích hợp với Phụng vụ là được rồi!

Có lẽ cũng nên nói qua ở đây về dư luận cho rằng có một số bài ca Vào Đời “được phép” soạn ra và đã “được cho phép sử dụng” trong các Thánh lễ dành riêng cho giới trẻ (?) và ý kiến đề nghị rằng phần Thánh nhạc trong các nghi thức Phụng vụ cần phải được thể hiện một cách tưng bừng rộn rã, với trống đàn, với tiết điệu... mới dễ dàng thu hút và lôi cuốn giới trẻ!? Đồng ý là có một số bài ca với giai điệu trẻ trung đã được soạn riêng và được phép dùng trong các Thánh lễ dành cho thanh niên hoặc thiếu nhi. Nhưng tại sao lại gán cho những bài ca đó cái tên gọi Vào Đời (vốn chỉ nên dùng ngoài Phụng vụ) mà không gọi là những bài "thánh ca Phụng vụ dùng trong những dịp lễ đặc biệt"? Tên gọi tuy có dài, nhưng hẳn đã xác định rõ được vai trò và vị trí đích thực của những bài ca đó. Hay bởi vì chúng ta đã sử dụng trống đàn với những tiết điệu Rhumba, Twist, Chacha... để phụ đệm nhằm mục đích thu hút giới trẻ, và rồi đồng hoá những bài ca đó với những bài ca Vào Đời? Nếu quả thật như vậy, có nghĩa là chúng ta đã thể hiện một cách sai lầm những bài ca Phụng vụ, và chưa chừng, qua mục tiêu nói trên, chúng ta đã đánh giá quá thấp tâm tình sống đạo của nhiều người trẻ hiện nay! Tôi vẫn thực sự tin tưởng rằng không ít người trẻ trong thế giới hôm nay đã nhận thức được rằng họ không đến nhà thờ vì một trào lưu âm nhạc nào đó rồi cũng sẽ tàn phai như một thứ thời trang, nhưng họ đã đến với một niềm tin chân thật xuất phát từ nội tâm sâu thẳm!

* * *

Phần tự bạch: Tôi không viết nhạc Vào Đời nhiều, có lẽ chỉ được dăm bảy bài trong năm đầu tiên sáng tác. Bờ Đá Xanh Tạ Tội (BĐXTT) là một trong những sáng tác đầu tay của tôi được in trong tập nhạc Vào Đời "Ca Khúc Trường Sinh 1" (trang 20) của nhóm Ca Lời Hằng Sống. Tôi thừa nhận rằng đúng như thể loại Vào Đời của nó, BĐXTT không bao giờ thích hợp với Phụng vụ và chưa bao giờ được phép sử dụng trong Phụng vụ! Về sau, lấy cảm hứng từ dụ ngôn Người Cha Nhân Từ (Lc. 15, 11-32), tôi giữ nguyên nhạc, viết lại lời ca cho 3 phiên khúc, đổi tựa đề thành Lời Kinh Tạ Tội (LKTT) và gởi đi xin phép Chuẩn Nhận. Bài ca LKTT (không còn lời ca "như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành..." nữa) nhận được phép sử dụng trong Phụng vụ của ĐGM Nguyễn Văn Hoà và được in trong Tuyển tập Ca Khúc Lên Đền cũng của nhóm Ca Lời Hằng Sống (không còn tài liệu) và mới đây trong tập nhạc Phụng vụ "Thường Niên năm A" (trang 222) của Giáo phận Nha Trang.

Có dịp viết bài chia sẻ này, tôi càng hiểu thấu và thấm thía hơn cái nguyên nhân nào đã khiến cho lời ca của BĐXTT vốn không phải là một bài ca Phụng vụ vẫn "bị" phê bình trong Thông Cáo số 2, đề mục 4b của Ban Thánh Nhạc và còn được lập lại trong bài nghiên cứu về Thánh nhạc của một, hai tác giả. Buồn không? Có chứ! Nhưng rồi tất cả những chuyện đó chỉ là "chuyện nhỏ"! Chuyện lớn và còn là một sai lầm của tôi (xin Chúa tha tội, tôi chỉ vừa mới nhận ra cách đây mấy hôm, khi sắp xếp trong đầu những ý tưởng cần thiết cho bài chia sẻ này!), đó là tôi đã vô tình du nhập một bài ca Vào Đời (của chính tôi) vào trong Phụng vụ. Phải! Mặc dù Lời Kinh Tạ Tội đã được thay đổi lời ca cho phù hợp, đã được phép Chuẩn Nhận, nó vẫn là "hậu duệ" của một bài ca Vào Đời vốn chỉ được sử dụng "từ cửa nhà thờ trở ra" mà thôi! Quả thực là sai lầm!

Nhận thức được như vậy, có lẽ đây là lúc chính bản thân tôi phải biết "loại bỏ những gì là trần tục", để trả lại sự thánh thiện, sự trang nghiêm cho khung cảnh Phụng vụ. Vậy thì... cách đây khá lâu, trên Forum Thánh Nhạc của Nhóm Ca Trưởng, tôi đã từng "khai tử" bài ca BĐXTT, hôm nay tôi chính thức xin các Ca trưởng hãy cùng tôi trả luôn LKTT về với những người bạn Vào Đời của nó (Xa Dấu Địa Đàng, Bên Trong Cung Thánh, Thiên Đường Đã Vụt Tầm Tay, v.v... trong Tâm Tình Ca. Loại bỏ thêm một bài ca đã từng là cớ vấp phạm cho nhiều người lâu nay chắc chắn không làm nghèo đi ca mục Thánh Ca Phụng Vụ của chúng ta vốn đang rất dồi dào và phong phú.

Lời khép: Tạ ơn Chúa đã cho tôi có điều kiện và khả năng sinh hoạt trong một Ca đoàn Công giáo, để biết dùng lời ca tiếng hát tôn vinh Thiên Chúa và giúp tha nhân nâng tâm hồn lên với Người. Tạ ơn Chúa đã cho tôi có thời là thành viên của một Ủy ban Thánh nhạc Giáo phận, để biết cảm thông với những ưu tư lo lắng của đấng Thẩm quyền có bổn phận bảo vệ và gìn giữ nền Phụng vụ - Thánh nhạc của Giáo hội. Tạ ơn Chúa đã cho tôi là Ca trưởng để biết cảm nhận, thấu hiểu và chịu đựng những khó khăn, những khổ tâm trong đời sống dấn thân phục vụ, được ví như đời "làm dâu trăm họ" (trong trăm họ đó có Giáo quyền, có Cha xứ, có các ca viên và có toàn thể giáo dân). Tạ ơn Chúa đã cho tôi là người viết nhạc để biết từ bỏ ý riêng, quên đi chính mình, và để nhận thức rằng tôi chỉ là một công cụ nhỏ bé, một người tôi tớ "mắt luôn dõi nhìn vào tay các vị chủ ông, chủ bà" (TV. 122, 2ab). Và tạ ơn Chúa đã còn cho tôi là một "tội đồ" với những sai lầm, để nhìn thấy phận mình hèn kém, thiếu sót, bất tài, và nhất là để chân nhận ra tình yêu bao la và ân sủng tràn đầy của Thiên Chúa!

Ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô
09/11/2003
Đỗ Vy Hạ