|
|
Những Tham Khảo Về Thánh Nhạc trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2000 |
|
|
|
Từ lâu nay, ngoài những Huấn thị và Thông cáo về Thánh Nhạc do Thánh bộ Nghi Lễ hoặc do Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành, Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma vẫn là một tài liệu thực sự thiết yếu và hữu ích đối với quí anh chị em Ca Trưởng và những người sinh hoạt Thánh Nhạc. Nhân dịp Thánh bộ về Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích ban hành ấn bản mẫu thứ ba của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma mới đây vào năm 2000, và để giúp cho việc tham khảo được dễ dàng hơn, xin lược trích lại đây những đoạn chỉ dẫn liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thánh Nhạc, dựa theo bản phiên-dịch-để-tham-khảo của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần. (Chú thích của Đỗ Vy Hạ)
Chương II: CƠ CẤU THÁNH LỄ, CÁC YẾU TỐ VÀ CÁC PHẦN CỦA THÁNH LỄ
32. Tính chất các phần dành cho vị chủ toạ buộc vị tư tế phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. [44] Vì thế, khi vị tư tế đọc các phần đó, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác.
Tầm quan trọng của việc ca hát
39. Thánh Tông Đồ khuyên Ki-tô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó, thánh Au-gút-ti-nô nói đúng: “Người nào yêu thì hát”. [48] Và ngay từ ngàn xưa, câu: “Ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi” đã trở thành ngạn ngữ.
40. Vậy việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ phải là điều quan trọng, sau khi đã lưu ý đến cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn. Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng đã được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng trong các cử hành vào Chúa Nhật và lễ trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của các thừa tác viên và dân chúng.
Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hay phó tế hay người giúp lễ hát, giáo dân thưa, hoặc những phần mà cả vị tư tế lẫn giáo dân cùng hát. [49]
41. Chiếm vị trí hàng đầu là hát Grê-gô-ri-ô, như là đặc điểm của phụng vụ Rô-ma. Mọi loại thánh nhạc khác, nhất là đa giọng, cũng được phép sử dụng nếu chúng đáp ứng với tinh thần của hành vi phụng vụ và trợ giúp sự tham dự của mọi tín hữu. [50]
Vì giáo dân thuộc nhiều quốc tịch mỗi ngày một năng hội họp với nhau hơn, nên ước gì họ có thể cùng nhau hát bằng tiếng La-tinh, ít là một vài kinh trong phần Thường Lễ, nhất là kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha, với những cung điệu dễ hát. [51]
Thinh lặng
45. Sự thinh lặng thánh, kể như thành phần của việc cử hành Thánh Lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. [55] Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh Lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng.
Trước khi cử hành, rất nên giữ thinh lặng trong thánh đường, trong phòng thánh và những nơi kế cận để mọi người dọn mình cách sốt sắng tham dự các lễ nghi thánh.
III. TỪNG PHẦN CỦA THÁNH LỄ
Ca nhập lễ
47. Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành Thánh Lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và đi kèm với cuộc rước của vị tư tế và các người giúp lễ.
48. Ca nhập lễ được hát như sau: hoặc luân phiên giữa ca đoàn và dân chúng, hoặc luân phiên giữa một ca viên và dân chúng, hoặc tất cả do dân chúng hát, hay do một mình ca đoàn hát mà thôi. Có thể dùng điệp ca cùng với thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale simplex; hoặc dùng bài hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận. [56]
Nếu không hát ca nhập lễ, thì giáo dân, hoặc một vài người giáo dân, hoặc một độc viên, đọc bài ca nhập lễ ghi trong Sách Lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính vị tư tế đọc, và ngài có thể thích nghi nó theo cách lời khuyên nhủ khởi đầu (x. n. 31).
Lạy Chúa, xin thương xót
52. Sau nghi thức sám hối, là luôn luôn đến kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”, trừ khi đã dùng kinh này trong nghi thức sám hối. Vì là bài hát giáo dân dùng để tung hô Chúa và kêu cầu lòng thương xót của Người, bài này thường được mọi người hát, nghĩa là dân chúng, ca đoàn hay xướng ca viên, đều góp phần vào đó.
Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng vì đặc tính của các ngôn ngữ khác nhau, vì nghệ thuật âm nhạc, hay vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi kinh “Lạy Chúa, xin thương xót” được dùng như là phần của nghi thức thống hối, thì trước nó có những câu tung hô riêng.
Kinh Vinh Danh
53. Kinh Vinh Danh là một thánh thi rất cổ kính, mà Hội Thánh, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chiên Con. Không được thay đổi bản văn của kinh này bằng một bản văn khác. Vị tư tế hay, tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi mọi người cùng hát chung, hay luân phiên giữa giáo dân và ca đoàn, hay chỉ ca đoàn. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè đối đáp.
Kinh này được hát hay đọc trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp lễ khá long trọng.
Thánh vịnh đáp ca
61. Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca; bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa, và có tầm quan trọng lớn về phụng vụ và mục vụ, vì giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa.
Thánh vịnh đáp ca liên quan trực tiếp đến mỗi bài đọc và thường lấy ở sách Bài Đọc.
Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của giáo dân. Do đó, người hát thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và thường thường lại còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát liên tục, không có câu đáp. Tuy nhiên, để dân chúng có thể hát thánh vịnh đáp ca cách dễ dàng hơn, một số bản văn đáp ca và thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn hợp với bài đọc liên hệ. Nếu không hát thánh vịnh, thì đọc theo cách thích hợp giúp suy gẫm Lời Chúa.
Thay vì thánh vịnh ghi trong sách Bài Đọc, còn có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Graduale Romanum, hay thánh vịnh đáp ca, hoặc tung hô A-lê-lu-ia lấy ở sách Graduale simplex, như thấy có ghi trong các sách đó.
Tung hô trước khi đọc Tin Mừng
62. Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát A-lê-lu-ia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ, như mùa phụng vụ đòi hỏi. Lời tung hô này được thực hiện ở tư thế đứng, vì cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sẽ nói với mình trong Tin Mừng và biểu lộ đức tin bằng bài ca. Mọi người đứng cùng hát, được ca đoàn hoặc một ca viên khởi xướng, hoặc lặp lại câu ca đoàn hay một ca viên đã hát.
a) A-lê-lu-ia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay. Câu thì lấy ở sách Bài Đọc, hay sách Graduale.
b) Trong Mùa Chay, thì thay vì A-lê-lu-ia, hát câu trước Tin Mừng ghi trong sách Bài Đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác cũng gọi là ca liên tục (tractus), như có trong sách hát Graduale.
63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng thì:
a) Trong mùa phải hát A-lê-lu-ia, có thể hát hoặc bài thánh vịnh có chữâ A-lê-lu-ia, hoặc thánh vịnh và A-lê-lu-ia với câu tung hô.
b) Trong mùa không phải đọc A-lê-lu-ia, có thể hát thánh vịnh với câu trước Tin Mừng, hoặc chỉ thánh vịnh thôi;
c) A-lê-lu-ia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.
64. Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát sau A-lê-lu-ia.
Chuẩn bị lễ phẩm
74. Khi rước lễ phẩm lên, thì hát ca tiến lễ (x. n. 37, b) và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ (x. n. 48). Bài hát có thể luôn luôn đi theo nghi thức tiến dâng.
Kinh Tạ Ơn
78. Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành nghĩa là chính kinh Tạ Ơn, gồm việc tạ ơn và thánh hoá. Vị tư tế mời giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Ki-tô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ.
79. Những yếu tố chính tạo nên kinh Tạ Ơn có thể phân ra như sau:
a) ...
b) Việc tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các thần thánh trên trời, hát “Thánh, Thánh, Thánh”. Lời tung hô này là thành phần của chính kinh Tạ Ơn, nên cả giáo dân và vị tư tế cùng hát.
...
e) Tưởng niệm (anamnesis): nhờ việc tưởng niệm, khi thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô qua các Tông Đồ, Hội Thánh tưởng niệm chính Đức Ki-tô, nhất là nhắc lại cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại vinh hiển và lên trời của Người.
...
h) Vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn: đây là lời chúc vinh Thiên Chúa, được giáo dân tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô “A-men”.
Kinh Lạy Cha
81. Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày, bánh này đối với ki-tô hữu còn ám chỉ bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh. Vị tư tế đọc lời mời cầu nguyện, rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh đó với ngài; một mình vị tư tế đọc tiếp kinh khẩn xin (embolismus), và giáo dân kết thúc bằng lời chúc vinh. Kinh khẩn xin khai triển ý nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha, tức là xin cho toàn thể cộng đồng tín hữu được thoát khỏi quyền lực sự dữ.
Lời mời cầu nguyện, chính kinh Lạy Cha, kinh khẩn xin và lời chúc vinh mà giáo dân dùng để kết thúc, được hát hay đọc rõ tiếng.
Bẻ bánh
83. (...) Đang khi vị tư tế bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “Xin ban bình an cho chúng con”.
Hiệp lễ
86. Đang khi vị tư tế rước lễ, thì bắt đầu hát ca hiệp lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ, khi họ đồng thanh ca hát, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm cho việc tiến lên rước Mình Thánh Chúa có tính cách cộng đoàn hơn. Có thể kéo dài hát ca hiệp lễ đang khi giáo dân rước lễ. [74] Nhưng nếu có hát bài ca nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc bài ca hiệp lễ vào đúng lúc.
Phải liệu cho các ca viên có thể rước lễ cách xứng hợp.
87. Về ca hiệp lễ, có thể dùng điệp ca trong sách Graduale Romanum cùng với thánh vịnh hay không có thánh vịnh, hoặc dùng điệp ca với thánh vịnh trong sách Graduale simplex, hoặc bài hát nào khác thích hợp đã được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận. Một mình ca đoàn hát, hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân.
Nếu không hát, thì giáo dân, hoặc một vài giáo dân hay độc viên, đọc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ. Nếu không có ai khác, thì chính vị tư tế đọc sau khi đã rước lễ, và trước khi cho tín hữu rước lễ.
88. Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi cầu nguyện trong lòng một khoảng thời gian. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.
Chương III: NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ THỪA TÁC VỤ TRONG THÁNH LỄ
99. Thầy đọc sách lãnh tác vụ để đọc các bài đọc Thánh Kinh, trừ bài Tin Mừng. Thầy cũng có thể xướng các ý nguyện trong lời nguyện cho mọi người, và, khi không có ca viên, thầy cũng có thể đọc thánh vịnh giữa các bài đọc...
102. Người xướng thánh vịnh có nhiệm vụ đọc hoặc hát thánh vịnh hay thánh ca Thánh Kinh nào khác, xen vào giữa các bài đọc. Để chu toàn phần việc của mình, người xướng thánh vịnh cần có nghệ thuật đọc thánh vịnh, có khả năng phát âm và đọc cho đúng.
103. Giữa các tín hữu, ca đoàn có phần việc của họ trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn các phần việc riêng của họ, tùy theo các loại bài hát khác nhau; họ lại phải giúp cho giáo dân tham dự cách linh động vào việc ca hát. [87] Những điều vừa nói về ca đoàn cũng có giá trị đối với các nhạc công, nhất là đối với người sử dụng phong cầm.
104. Nên có ca viên hay ca trưởng để điều khiển và yểm trợ giáo dân khi họ hát. Hơn nữa, nếu không có ca đoàn, ca viên sẽ điều khiển các bài hát, còn giáo dân sẽ tuỳ phần việc của mình mà tham dự. [88]
Chương IV: NHỮNG HÌNH THỨC CỬ HÀNH THÁNH LỄ
I. THÁNH LỄ CÓ GIÁO DÂN THAM DỰ
115. Thánh Lễ với giáo dân được hiểu là Thánh Lễ được cử hành khi có giáo dân tham dự. Chừng nào có thể, nên hát và nên có một số người giúp lễ tương xứng khi cử hành Thánh Lễ này, đặc biệt các ngày Chúa Nhật và lễ buộc; [94] nhưng cũng có thể cử hành Thánh Lễ mà không hát và chỉ có một người giúp lễ.
116. Trong bất cứ cử hành Thánh Lễ nào, nếu có thầy Phó tế, thì thầy chu toàn phận vụ mình. Cũng nên có người giúp lễ, người đọc sách và ca viên. Nghi thức trình bày sau đây dự liệu trường hợp có số thừa tác viên khá đông.
Nghi thức đầu lễ
121. Đang khi đoàn rước tiến lên bàn thờ, ca đoàn hát ca nhập lễ.
125. Tiếp theo là nghi thức sám hối, rồi hát hoặc đọc kinh “Lạy Chúa, xin thương xót”, theo luật chữ đỏ (x. n. 52).
126. Khi luật đòi hỏi thì hát hoặc đọc Kinh “Vinh danh” (x. n. 53).
Phụng vụ Lời Chúa
129. Sau bài đọc, người hát thánh vịnh hay chính độc viên, xướng thánh vịnh và dân chúng đọc câu đáp.
131. Tiếp đến mọi người đứng dậy và hát A-lê-lu-ia, hoặc bài ca nào khác, tùy mùa phụng vụ đòi hỏi (x. nn. 62-64).
137. Vị tư tế đọc hay hát kinh Tin Kính chung với giáo dân, mọi người đứng. Khi tới câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần..”, mọi người đều cúi mình sâu; nhưng trong lễ Truyền Tin và lễ Giáng Sinh, thì mọi người quỳ gối.
Phụng vụ Thánh Thể
139. Sau lời nguyện cho mọi người, mọi người ngồi và bắt đầu hát ca tiến lễ (x. n. 74), nếu có rước lễ phẩm...
142. (...) Nếu không hát khi dâng tiến lễ phẩm hay không chơi đờn, thì vị tư tế được phép, khi dâng tiến bánh và rượu, đọc to tiếng những công thức chúc tụng, và giáo dân tung hô: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”.
147. Bấy giờ vị tư tế bắt đầu kinh Tạ Ơn. Ngài chọn theo luật chữ đỏ một trong các kinh Tạ Ơn có trong Sách Lễ Rô-ma hay đã được Toà Thánh chuẩn nhận. Tự bản chất, kinh Tạ Ơn đòi hỏi một mình vị tư tế đọc mà thôi, do chức thánh. Giáo dân hiệp ý với vị tư tế trong đức tin và trong thinh lặng, nhưng cũng can dự vào Kinh Tạ Ơn bằng những lời đáp trong phần đối thoại đầu kinh Tiền Tụng, bằng kinh Thánh, Thánh, Thánh, bằng tung hô sau truyền phép, bằng lời tung hô A-men sau lời vinh tụng cuối cùng, cũng như các lời tung hô khác được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn và Toà Thánh công nhận,
Những phần nào trong Kinh Tạ Ơn có nốt nhạc, thì vị tư tế nên hát.
148. Mở đầu Kinh Tạ Ơn, vị tư tế dang tay hát hay đọc: “Chúa ở cùng anh chị em”, giáo dân đáp: “Và ở cùng cha”. Và khi đọc tiếp: “Hãy nâng tâm hồn lên”, ngài nâng hai tay cao lên, giáo dân đáp: “Chúng con đang hướng về Chúa”; rồi giữ nguyên hai tay giang ra, đọc tiếp: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”, giáo dân thưa: “Thật là chính đáng”. Sau đó vị tư tế dang tay đọc tiếp Kinh Tiền Tụng; sau Kinh Tiền Tụng, ngài chắp tay lại và cùng với các người hiện diện hát hay đọc rõ tiếng kinh “Thánh, Thánh, Thánh” (x. n. 79, b).
151. Sau khi truyền phép, vị tư tế nói: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, giáo dân tung hô theo một trong các công thức có sẵn.
Cuối kinh Tạ Ơn, vị tư tế cầm đĩa có bánh thánh và chén, rồi nâng cả hai, đọc lời vinh tụng: Chính nhờ Đức Ki-tô. Dân chúng tung hô: A-men. Sau đó vị tư tế đặt đĩa và chén trên khăn thánh.
152. Xong kinh Tạ Ơn, vị tư tế chắp tay đọc lời nhắn nhủ trước kinh Lạy Cha, rồi dang tay đọc kinh Lạy Cha cùng với giáo dân.
155. Sau đó, vị tư tế cầm Mình Thánh, bẻ ra trên đĩa thánh và bỏ một phần nhỏ vào chén thánh, đọc thầm “Xin Mình và Máu Chúa Giê-su...”. Đang khi đó, ca đoàn và giáo dân hát hay đọc kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa...”.
159. Khi vị tư tế rước lễ thì bắt đầu hát ca Hiệp lễ (x. n. 86).
164. Sau đó, vị tư tế có thể trở về ghế. Có thể giữ thinh lặng thánh một lúc, hoặc hát thánh ca ngợi khen hay thánh vịnh (x. n. 88).
D. Những phần việc của thầy đọc sách
196. Thầy đọc các bài đọc trước bài Tin Mừng trên giảng đài. Khi không có ca viên, thầy cũng có thể đọc thánh vịnh và đáp ca sau bài đọc thứ nhất.
198. Nếu không hát ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ, và giáo dân không đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ, thì thầy đọc sách đọc các ca nhập lễ hoặc ca hiệp lễ vào lúc thích hợp (x. nn. 48, 87).
Cách thức đọc Lời Nguyện Thánh Thể
216. Chỉ một mình vị chủ tế hát hay đọc kinh Tiền Tụng. Còn kinh Thánh, Thánh, Thánh, thì mọi vị đồng tế cùng với giáo dân và ca đoàn hát hay đọc.
218. Những phần mà các vị đồng tế cùng đọc, và nhất là mọi người buộc phải đọc các lời truyền phép, thì phải đọc nhỏ tiếng, để cho giọng của chủ tế được nghe rõ ràng. Bằng cách ấy, giáo dân mới lãnh hội bản văn dễ dàng hơn.
Những phần mà mọi vị đồng tế cùng đọc, mà có ghi dấu nhạc trong Sách Lễ, thì nên hát.
Chương V: CÁCH XẾP ĐẶT VÀ TRANG TRÍ THÁNH ĐƯỜNG ĐỂ CỬ HÀNH THÁNH LỄ
294. (...) Các tín hữu và ca đoàn phải có vị trí giúp cho việc tham gia tích cực của họ được dễ dàng. [112]
306. Trên bàn thờ chỉ đặt những gì mà việc cử hành Thánh Lễ đòi hỏi (...). Phải đặt cách kín đáo những gì cần khuếch âm tiếng của vị tư tế.
309. (...) Tại giảng đài sẽ đọc các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Cũng tại đó có thể giảng và đọc các lời nguyện cho mọi người, tức là lời nguyện giáo dân. Phẩm giá của giảng đài đòi buộc chỉ có thừa tác viên lời (Chúa) mới đi lên đó.
Chỗ của ca đoàn và nhạc cụ
312. Phải dựa vào cấu trúc của thánh đường mà xếp chỗ cho ca đoàn, để cho thấy bản chất của ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tụ họp và giữ một phận vụ riêng biệt, để ca đoàn dễ dàng thực hiện phận vụ mình, và mọi ca viên thuận lợi tham dự đầy đủ vào Thánh Lễ, nghĩa là tham dự bí tích Thánh Thể. [121]
313. Còn phong cầm và các nhạc cụ khác đã được chấp thuận cách hợp pháp, thì phải đặt vào chỗ thích hợp, để chúng có thể trợ giúp ca đoàn và giáo dân hát và, nếu độc tấu, thì mọi người có thể nghe tốt được. Nên làm phép đàn phong cầm, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong sách Nghi thức Rô-ma. [122]
Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh.
Trong Mùa Chay tiếng phong cầm và các nhạc cụ khác chỉ để giúp hát mà thôi, trừ Chúa Nhật Laetare (IV Mùa Chay), lễ trọng và lễ kính.
Chương VII: VIỆC LỰA CHỌN THÁNH LỄ VÀ CÁC PHẦN THÁNH LỄ
352. Hiệu quả mục vụ của Thánh Lễ sẽ gia tăng nhiều, nếu các bản văn bài đọc, lời nguyện và bài ca đáp ứng thoả đáng, hết sức có thể, với các nhu cầu và sự chuẩn bị tâm hồn, cũng như não trạng của những người tham dự. Đó là điều có thể đạt được nếu biết sử dụng cách thích đáng quyền hạn rộng rãi trong việc lựa chọn được nói đến sau đây.
Vì thế, trong việc tổ chức Thánh Lễ, vị tư tế phải lưu ý đến lợi ích thiêng liêng chung của dân Chúa, hơn là sở thích riêng. Hơn nữa, khi chọn lựa các phần, ngài nên nhớ cần phải thực hiện với sự thuận ý của những người có giữ một phận vụ nào đó trong việc cử hành, kể cả giáo dân, trong những gì trực tiếp liên quan tới họ.
Vì có thể rộng rãi lựa chọn các phần Thánh Lễ, nên trước khi cử hành, thầy phó tế, các độc viên, người hát thánh vịnh, ca trưởng, người dẫn lễ, ca đoàn, mỗi người cần biết rõ bản văn liên quan đến phận vụ mình, và đừng để xảy ra tình trạng “gặp đâu hay đó”. Các nghi thức được sắp xếp và diễn tiến cách hài hoà giúp ích nhiều cho tâm trí giáo dân tham dự Thánh Lễ.
I. VIỆC LỰA CHỌN THÁNH LỄ
353. Về các lễ trọng, vị tư tế phải theo lịch của thánh đường nơi cử hành.
354. Về các Chúa Nhật, các ngày Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, các lễ kính và lễ nhớ buộc:
a) Nếu Thánh Lễ được cử hành có giáo dân tham dự, thì vị tư tế theo lịch của thánh đường nơi cử hành;
b) Nếu Thánh Lễ cử hành không có giáo dân, vị tư tế có thể chọn hoặc lịch của thánh đường hoặc lịch riêng.
355. Về các lễ nhớ tự do:
a) Trong các ngày Mùa Vọng từ 17 đến 24 tháng 12, các ngày Bát Nhật Giáng Sinh và các ngày Mùa Chay, trừ thứ Tư lễ Tro, và Tuần Thánh, phải dâng lễ theo ngày phụng vụ. Về lễ nhớ có trong lịch chung rơi vào các ngày ấy, có thể đọc lời nguyện nhập lễ, ngoại trừ thứ Tư lễ Tro và các ngày Tuần Thánh. Trong các ngày trong tuần Mùa Phục Sinh, có thể cử hành toàn bộ lễ nhớ các Thánh.
b) Trong các ngày Mùa Vọng trước 17 tháng 12, các ngày mùa Giáng Sinh từ 02 tháng 01 và các ngày Mùa Phục Sinh, có thể chọn hoặc lễ theo ngày, hoặc lễ về vị Thánh, hay về một trong các vị Thánh được nhớ, hoặc lễ về một vị Thánh được ghi trong sổ bộ các Thánh vào ngày ấy.
c) Trong những ngày Mùa Quanh Năm, có thể chọn hoặc lễ theo ngày, hoặc lễ nhớ tự do nhằm vào ngày ấy, hoặc lễ về vị thánh được ghi trong sổ bộ các Thánh vào ngày ấy, hoặc lễ cho các nhu cầu hay lễ ngoại lịch.
Nếu cử hành Thánh Lễ có giáo dân, vị tư tế phải chú ý đừng bỏ thường xuyên quá và không có lý do chính đáng các bài đọc của những ngày trong tuần, được chỉ định trong sách Bài Đọc, vì Hội Thánh muốn dọn cho giáo dân bàn tiệc Lời Chúa phong phú hơn. [139]
Cùng vì lẽ ấy, chỉ nên cử hành lễ cầu cho những người qua đời cách chừng mực, vì bất cứ Thánh Lễ nào cũng được dâng cầu cho kẻ sống và người quá cố, và kinh Tạ Ơn luôn nhớ đến các kẻ qua đời.
Nơi nào giáo dân thích cử hành lễ nhớ tự do kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hay các Thánh, thì nên thoả mãn lòng đạo đức chính đáng của họ.
Khi được phép chọn giữa lễ nhớ ghi trong lịch chung và lễ nhớ trong lịch giáo phận hay dòng tu, thì nên chọn lễ nhớ riêng, nếu bậc lễ bằng nhau và truyền thống đã quen như vậy.
II. VIỆC LỰA CHỌN CÁC PHẦN THÁNH LỄ
Các bài hát
366. Những bài hát nằm trong Lễ Qui, ví dụ “Lạy Chiên Thiên Chúa”, thì không được thay thế bằng những bài hát khác.
367. Khi chọn bài hát nằm giữa các bài đọc, và những bài hát lúc nhập lễ, dâng lễ phẩm, và hiệp lễ, thì phải giữ những qui tắc ấn định cho các phần đó (x. nn. 40-41, 47-48, 61-64, 74, 87-88).
Chương IX: CÁC THÍCH NGHI THUỘC QUYỀN GIÁM MỤC VÀ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
386. Việc soạn thảo Sách Lễ Rô-ma, được thực hiện vào thời đại chúng ta theo qui tắc của các sắc lệnh của Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, luôn lưu tâm làm sao cho mọi tín hữu, trong cử hành Thánh Lễ, có thể tham dự cách đầy đủ, ý thức và linh hoạt, như bản chất Phụng Vụ đòi hỏi, và như các tín hữu, do thân phận mình, có quyền và có bổn phận yêu cầu. [143]
Tuy nhiên, để cho việc cử hành đáp ứng các qui tắc và tinh thần của Phụng Vụ Thánh, Qui Chế Tổng Quát này và Lễ Qui đưa ra vài thích ứng và thích nghi, được giao cho sự phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Đồng Giám Mục.
390. Các Hội Đồng Giám Mục qui định các thích nghi và, sau khi được Toà Thánh công nhận, được đưa vào Sách Lễ. Việc thích nghi được làm trong những điều được cho phép trong Quy Chế Tổng Quát này và trong Lễ Qui Rô-ma, tức là:
- (...)
- Các bản văn bài ca nhập lễ, chuẩn bị lễ phẩm và hiệp lễ (xem trên, nn. 48, 74, 87);
391. Các Hội Đồng Giám Mục phải lo sao cho bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong cử hành Thánh Lễ, được thực hiện với sự cẩn thận đặc biệt. Thật vậy, người ta trích từ Thánh Kinh các bài để đọc và để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những thánh vịnh để hát. Cũng nhờ gợi hứng từ Thánh Kinh mà xuất phát các kinh, lời nguyện, công thức phụng vụ, đồng thời những động tác và các biểu hiệu cũng nhận lấy ý nghĩa từ Thánh kinh. [145]
Nên dùng lối văn đáp ứng với sự nhận thức của tín hữu và thích hợp để được công bố, tuy nhiên phải giữ những đặc tính của những kiểu nói khác nhau được dùng trong các sách Thánh Kinh.
392. Các Hội Đồng Giám mục cũng cẩn thận thực hiện việc dịch các bản văn khác, để tuy vẫn giữ được bản chất của ngôn ngữ mình, ý nghĩa của bản văn bằng tiếng La-tinh được chuyển đạt cách đầy đủ và trung thành. Khi thực hiện việc này, phải chú ý đến các văn thể khác nhau được dùng trong Thánh Lễ, như lời nguyện của chủ tế, tiền xướng, tung hô, đáp ca, khẩn nài kiểu kinh cầu, v.v..
Hãy luôn nhớ dịch các bản văn trước hết không phải để suy gẫm, nhưng để công bố hay hát trong hành vi phụng vụ.
Nên dùng lời văn thích hợp với các tín hữu trong vùng, tuy nhiên cũng phải có phẩm chất thanh cao và văn chương. Luôn luôn cần thiết phải giảng dạy về ý nghĩa Thánh Kinh và Ki-tô giáo của vài từ và câu.
Trong những vùng sử dụng cùng một ngôn ngữ, nên đưa ra cùng một bản dịch, trong mức độ hết sức có thể, cho các bản văn phụng vụ, nhất là các bản văn Thánh Kinh và Lễ Qui. [146]
393. Phải chú ý đến vai trò cao cả của hát ca trong cử hành, như là thành phần cần thiết hay trọn vẹn của phụng vụ. [147] Các Hội Đồng Giám Mục có quyền phê chuẩn những giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn phần Thường Lễ, cho các lời đáp và tung hô của giáo dân, và cho các nghi thức đặc biệt xảy ra trong năm phụng vụ.
Các Hội Đồng Giám Mục cũng xét xem nên chấp nhận hình thức âm nhạc, giai điệu, nhạc cụ nào trong việc thờ phượng thánh, vì chúng thích hợp hay có thể thích hợp với việc sử dụng thánh.
397. Do đó, phải giữ nguyên tắc theo đó bất cứ một Giáo Hội địa phương nào cũng phải đồng tâm nhất trí với Giáo Hội toàn cầu, không những về giáo lý đức tin và các dấu chỉ bí tích, mà còn về các thói tục đã được chấp thuận phổ quát từ thời các Tông Đồ và được lưu truyền liên tục; chúng đã được duy trì chẳng những để tránh các sai lầm, mà còn để chuyển giao đức tin toàn vẹn, vì luật cầu nguyện của Hội Thánh đáp ứng với luật đức tin. [154]
Nghi Lễ Rô-ma tạo thành phần thanh cao của kho tàng phụng vụ và gia sản của Hội Thánh Công Giáo, mà sự phong phú giúp ích cho Hội Thánh toàn cầu, cho nên nếu thiếu sẽ gây hại nghiêm trọng.
Nghi Lễ này theo dòng các thế kỷ không những đã phục vụ cho các thực hành phụng vụ xuất phát từ thành Rô-ma, mà còn du nhập cách sâu xa, có tổ chức và hòa hợp các thực hành phụng vụ khác, phát sinh từ những tập tục và năng khiếu của các dân tộc khác nhau và của các Hội Thánh riêng đa dạng ở Tây phương cũng như Đông phương, và như vậy đạt được một tính cách siêu vượt giới vùng. Trong thời đại chúng ta, căn tính và cách diễn tả thống nhất của Nghi Lễ này được gặp thấy trong các bản mẫu của các sách phụng vụ được ban bố do quyền của Đức Giáo Hoàng và trong các sách phụng vụ tương ứng được các Hội Đồng Giám Mục chấp thuận cho lãnh thổ mình và được Toà Thánh nhìn nhận. [155]
398. Qui tắc do Công Đồng Va-ti-ca-nô II đưa ra, theo đó không được làm các đổi mới trong cải tổ phụng vụ nếu lợi ích thật sự và chắc chắn của Hội Thánh không đòi hỏi như thế, và phải cẩn trọng để cho những hình thái mới được triển nở, một cách nào đó, có hệ thống từ những hình thái sẵn có, [156] qui tắc đó cũng phải được áp dụng cho chính việc hội nhập văn hoá của Nghi Lễ Rô-ma. [157] Ngoài ra, việc hội nhập văn hoá đòi hỏi phải có nhiều thời gian, để truyền thống phụng vụ đích thực không bị làm tổn hại cách vội vã và bất cẩn.
Hơn nữa, yêu cầu hội nhập văn hoá không hề nhắm đến việc tạo ra những gia đình nghi lễ mới, nhưng khảo sát những đòi hỏi của nền văn hoá đó để các thích nghi được đưa vào Sách Lễ hay trong các sách phụng vụ khác ăn khớp, chứ không phải làm hại đặc tính của Nghi Lễ Rô-ma. [158]
399. Vì thế, Sách Lễ Rô-ma, dù được sử dụng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau và trong sự đa dạng các tập tục, [159] vẫn phải được dùng như khí cụ và dấu chỉ sáng ngời của sự toàn vẹn và thống nhất của Nghi Lễ Rô-ma. [160]
Bản dịch của Lm. Nguyễn Chí Cần
|
|
|
|
|