|
|
NÓI VỚI CÁC BẠN TÔI VỀ CHUYỆN DÀI BỘ LỄ |
|
|
|
Trong hộp thư của Nhóm Ca Trưởng thời gian gần đây có một hai yêu cầu được đọc thấy tận mắt những chứng từ liên quan đến nguồn tin cho rằng Giáo quyền đã từ lâu ngăn cấm việc sử dụng Bộ lễ “Ta Đi Vào Đời” của LM Nguyễn Văn Trinh và Bộ lễ “Vào Đời” của LM Thành Tâm, hoặc nguồn tin cho rằng các ngài đã "rút lại bản quyền" (sao lại dùng cụm từ này?), hoặc đã công bố rằng Bộ lễ các ngài viết không phù hợp, v.v. và v.v... Sự thực là có đốt đuốc đi tìm khắp thế gian cũng chẳng tìm đâu ra những chứng từ với những lời lẽ đao to búa lớn như thế!
Tuy nhiên, căn cứ trên một số qui định của Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) về tính cách cố định của bản văn Bộ lễ, nhiều cây bút phê bình thánh nhạc đã ít nhiều đề cập đến tính cách “không phù hợp với Phụng vụ, cách riêng với Thánh lễ” ở hai Bộ lễ nói trên. Có bài được viết với lối phân tích nhẹ nhàng, thông cảm, nhưng cũng có bài được viết với lối phê phán bất nhân nhượng, không dung tha. Xin được phép trích dẫn một vài ý kiến dưới đây:
- "...Ở hải ngoại có những ca đoàn cũng sử dụng nhạc thánh ca vào đời nhưng gói trọn trong một số ít bài, chẳng hạn như chỉ hát bộ lễ Vào Đời của Nguyễn Văn Trinh gắn với bài Lạy Chiên Thiên Chúa của Thành Tâm, và một số ít bài ở nhịp điệu rumba, twist, tango. Công bình mà xét, ngoài những bài thuộc bộ lễ phải theo những qui định dùng lời đúng theo bản kinh Phụng vụ mà một số bài không hội đủ tiêu chuẩn cần phải xét lại, nhiều bài khác không dở, nếu được hát đúng mức độ và trình bày vừa phải với các nhạc cụ và trống bộ như một thời được trình diễn ở các thánh lễ giới trẻ tại trung tâm Đắc Lộ, Sài Gòn thì phải nói là hay..." (đọc "Người Trẻ Hát Nhạc Thánh Ca Vào Đời" của Nguyễn Văn Thông ở http://www.nguoitinhuu.com).
- "...Sau thánh lễ, ngài nói nhỏ với tôi rằng bài “Kinh Tin Kính" của Thành Tâm đã được chính tác giả nhìn nhận không được phép hát thay Kinh Tin Kính. Sau đó có dịp khác đề cập đến một vài khía cạnh của Thánh nhạc, ngài cũng cho biết Cha Thành Tâm trong một cuộc hội thảo về Thánh nhạc đã nói rõ rằng những câu “con tuyên xưng", cũng như “chính nhờ Người, với Người và trong Người" mà nhiều nơi quen hát là thiếu sót, không đúng tinh thần bản văn Phụng vụ và vì thế không được hát trong Thánh lễ" (đọc "Ít giờ phút với Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà" của LM Vũ Hùng Tôn ở http://vietcatholic.net/thanhnhac/thumuc/hoanhac.html).
- "...Vậy bộ lễ do LM Nguyễn Văn Trinh dệt nhạc kể là đi xa với qui định của Thánh Bộ Phụng Tự, như Huấn Thị thứ ba viết: "Những bản văn Kinh thánh hay Phụng vụ đã có truyền thống lâu đời (kinh Vinh Danh, Lạy Chiên Thiên Chúa v.v...), những bản văn trình bày đức tin của Hội Thánh (như kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha), tất cả những bản văn đó phải được dịch cách trung thực và sẽ dệt nhạc trên các bản văn đó không được thay đổi gì" (đọc "Thắc Mắc Về Bộ Lễ" của LM Đỗ Xuân Quế ở http://www.catruong.com).
- "...Riêng hai bộ lễ của Nguyễn Văn Trinh và Thành Tâm đã đưa đến nhiều hiểu lầm cho giới trẻ, là làm sao thì làm, miễn là thành một bài hát để hát, và để ban nhạc tha hồ vung vít theo điệu SlowRock là được..." (xem "Âm Nhạc Trong Thánh Lễ" của LM Dao Kim ở http://www.nguoitinhuu.com/phungvu/amnhac.html).
Dường như chỉ có bấy nhiêu tài liệu liên quan đến hai Bộ lễ nói trên được phổ biến rộng rãi (còn tài liệu nào khác nữa không???). Đâu có thấy chỗ nào xác định một cách minh bạch rằng Ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN ngăn cấm việc sử dụng hai Bộ lễ này!? Dầu vậy, qua những qui định và những chỉ dẫn cụ thể về việc sáng tác và cách sử dụng Bộ lễ của Ban Thánh Nhạc trong các Thông Cáo, qua những bài diễn giải các Thông Cáo đó của các tác giả Đỗ Xuân Quế, Kim Long, Nguyễn Duy, Dao Kim, Xuân Thảo..., chúng ta BẮT BUỘC PHẢI HIỂU rằng không nên dùng trong Phụng vụ, trong Thánh lễ những Bộ lễ nào không dệt nhạc theo đúng bản văn cố định của Ban Phụng Tự (trừ phi được Thẩm quyền địa phương cho phép sử dụng trong một vài Thánh lễ dành riêng nào đó - xem thêm "Thánh Ca Trong Phụng Vụ" của LM Kim Long, trang 58).
Khi nói rằng "không nên dùng trong Phụng Vụ, trong Thánh Lễ", chúng ta cũng có thể nói mà không sợ sai rằng người ta vẫn có thể hát hai Bộ lễ nói trên và cả những Bộ lễ khác vốn không theo đúng bản văn qui định, trong những khung cảnh cầu nguyện, những môi trường sinh hoạt tâm linh, đạo đức khác ngoài Phụng vụ, ngoài Thánh lễ. Trước kia Beethoven, Bach, hoặc Bruckner cũng đã từng sáng tác những Bộ lễ không phải để dùng trong Phụng vụ mà là để trình diễn như những tác phẩm nghệ thuật!
Như vậy thì tội tình gì mà Cha Nguyễn Văn Trinh và Cha Thành Tâm phải "loại bỏ đi" những đứa con nghệ thuật mà các ngài đã hơn một lần dày công mang nặng đẻ đau chứ?! Những tác phẩm này vẫn có thể được sử dụng ngoài khung cảnh Phụng vụ kia mà! Cho tôi đoán mò: chưa chừng những tác phẩm này trước đây đã từng được một vị Thẩm Quyền địa phương nào đó cho phép dùng thử nghiệm mà chúng ta không hề được biết, và cho đến bây giờ vẫn chưa rút phép lại, như trường hợp Bộ lễ của tác giả Cát Minh theo lời kể của LM Đỗ Xuân Quế trong bài “Thắc Mắc Về Bộ Lễ”. Dù có hay không, có lẽ chúng ta cũng cần giúp các ngài một tay, bằng cách quyết tâm sử dụng đúng nơi đúng chỗ Bộ lễ các ngài đã dệt nhạc.
Bàn thêm một chút nữa về những chỉ dẫn sáng tác Bộ lễ của Ban Thánh Nhạc. Trong Thông Cáo số 2 (Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ), đề mục 4a ghi: "Trong Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Lễ, một số bản văn có tính cách cố định thì không ai được thay đổi vì bất cứ lý do gì, dù để dễ hát...". Trong Thông Cáo số 3 (Hướng Dẫn Sáng Tác và Sử Dụng Các Bài Hát Trong Thánh Lễ), đề mục 3a ghi: "...phải theo sát bản văn đã được HĐGM chuẩn nhận và được Toà Thánh châu phê, in trong sách lễ Rôma: không được thay đổi vì bất cứ lý do gì". Khi kết hợp hai câu nói trên đây, tôi hiểu cụm từ "theo sát bản văn" là "theo đúng bản văn" (chứ không phải chỉ là “theo gần gần đúng bản văn” mà thôi). Tự điển Tiếng Việt do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội - Hà Nội giảng nghĩa chữ "sát" là: "gần đến mức như tiếp giáp, không còn khoảng cách ở giữa".
Một vài người trong giới Ca trưởng chúng ta còn chia sẻ thêm rằng điều làm họ hoang mang, khó hiểu không chỉ là từ ngữ được dùng trong Thông Cáo, nhưng còn là một hai sự kiện được nghe thuật lại. Thông Cáo do ĐGM Nguyễn Văn Hoà ký ban hành VIẾT như vậy, nhưng trong bài tường thuật "Ít giờ phút với ĐC Phaolô Nguyễn Văn Hoà", LM Vũ Hùng Tôn ghi nhận Đức Cha Hoà đã trao đổi (NÓI): "Lời phải cố gắng theo sát bản văn phụng vụ chính thức, tuy có thể thay đổi ít chữ cho phù hợp với tiết nhạc, nhưng không thể dùng những bài quá xa về lời cũng như ý của bản văn chính thức, điển hình như kinh Tin Kính của Thành Tâm...". Thêm vào đó là sự kiện Bộ lễ của tác giả Cát Minh, mặc dù không theo đúng nguyên văn cố định, nhưng đã được Đức Cố TGM Nguyễn Văn Bình cho phép dùng thử nghiệm từ bao lâu nay (đọc "Thắc Mắc Về Bộ Lễ" của LM Đỗ Xuân Quế). Và còn nữa, Bộ Lễ Ca Lên Đi 2 của LM Kim Long có thêm chữ "nguyện" trong kinh Thương Xót vẫn được sử dụng từ lâu lắm rồi (chắc hẳn cũng đã từng được vị Thẩm Quyền nào đó chuẩn nhận).
Vậy, phải hiểu như thế nào mới đúng? Với tôi, câu chuyện cũng đơn giản thôi! Luật là luật. Muốn đi trong đường hướng của Giáo Hội, chúng ta phải tuân giữ luật lệ của Giáo Hội. Nhưng mà... tôi đã từng học được ở đâu đó câu nói "Luật cũng có luật trừ". Điều này giải thích tại sao có những Bộ lễ không hoàn toàn sát, không tuyệt đối đúng với bản văn cố định đã được Giáo Quyền cho phép sử dụng và tại sao Đức Cha Hoà đã trao đổi (nói) không giống như đã viết trong Thông Cáo. Khi ban hành luật lệ và đưa ra những qui định trên văn bản, trên giấy trắng mực đen cho mọi người không-phân-biệt-một-ai thi hành, thiết nghĩ đấng Thẩm Quyền cần phải rõ ràng minh bạch, nói một là một, hai là hai. Nhưng khi xét duyệt cụ thể, tiếp xúc với từng trường hợp một, tôi tưởng nghĩ đấng Thẩm Quyền chắc là KHÔNG QUÁ KHẮT KHE như kiểu nói "dù một chấm một phẩy trong luật cũng không được bỏ qua" đâu! Nhất là khi những "thêm bớt" của một tác giả nào đó hoàn toàn hợp lý và không hề đánh mất đi ý nghĩa nguyên thủy của bản văn! (Tôi có lạc quan quá không nhỉ?)
Nói như thế, tôi KHÔNG HỀ CÓ Ý KHUYẾN KHÍCH những ai có ý định sáng tác Bộ lễ cứ tùy tiện thêm bớt vào bản văn, cũng KHÔNG CÓ Ý TIN CHẮC 100% rằng đấng Thẩm Quyền rồi sẽ "du di" trong việc thi hành luật lệ và những qui định. Vậy thì trước hết và trên hết, cứ theo đúng nguyên văn, cứ tuân theo luật lệ và những qui định là... thượng sách! Thực tình ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ chút hiểu biết nhỏ nhoi của tôi về cái thắc mắc rằng tại sao đấng Thẩm Quyền lại "viết một đàng, nói một nẻo, làm một nơi", đồng thời cũng muốn biện hộ, bênh vực một tí cho những gì vốn đã từng làm cho giới sinh hoạt Thánh nhạc tại hải ngoại chúng ta ngộ nhận...
Vì là “chuyện dài” nên tôi xin được lạm bàn thêm một chút về cách sử dụng Bộ lễ. Mới đây một anh bạn trong giới Ca trưởng nêu lên câu hỏi này là "Có thể nào hát kinh Thương Xót và kinh Vinh Danh của Bộ lễ Mẹ Vô Nhiễm, kinh Thánh Thánh Thánh của Bộ lễ La Vang, kinh Chiên Thiên Chúa của Bộ lễ Thánh Ca Tiệc Ly 2 trong cùng một thánh lễ không nhỉ?" (Nguyễn Khải Nguyên)
Bộ lễ (dịch từ tiếng La-tinh “Missa”) là một tổng hợp các kinh Thương Xót, Vinh Danh, Tin Kính, Thánh Thánh Thánh, Vinh Tụng Ca và Lạy Chiên Thiên Chúa. Đúng như tên gọi của nó, Bộ lễ phải được sáng tác trong một tổng thể, với một bố cục đồng nhất, các phần đều phải liên quan và kết hợp chặt chẽ với nhau, từ nhạc đề, âm thể đến giai điệu, nhạc sắc, v.v... Mỗi phần tự nó không thể được tách rời để làm một toàn phẩm, nhưng cả 6 phần phải được liên kết lại với nhau để cấu tạo nên một toàn phẩm (xem “Motu Proprio”, số 11, Catholic Encyclopedia). Vậy thì khi trình tấu, chúng ta cũng phải hát Bộ lễ trong một toàn phẩm, bộ nào ra bộ nấy, không nên pha trộn các Bộ lễ lại với nhau, cho dù những Bộ lễ ấy có cùng một âm thể, mang cùng một giai điệu, hay của cùng một tác giả.
Lễ Các Đẳng 2003
Đỗ Vy Hạ
|
|
|
|
|