|
|
CẨM NANG CA TRƯỞNG (những thắc mắc thường gặp) |
|
|
|
NỘI DUNG
I. Về các Văn kiện
1. Có những Văn kiện nào của Giáo Hội liên quan đến
Thánh nhạc?
2. Có những Thông cáo và Văn kiện nào của Hội đồng Giám mục Việt
Nam liên quan đến Thánh nhạc?
II. Về Thánh ca
1. Thánh ca nói chung gồm có mấy loại?
2. Thế nào là thánh ca Vào đời? Có được phép sử dụng
thánh ca Vào đời trong Phụng vụ không?
3. Làm thế nào để có thể nhận diện một bài hát Vào
đời?
4. Làm thế nào để phân biệt một bài Phụng ca hoặc
một bài Thánh ca với một bài hát Vào đời?
5. Có được phép dùng những bài ca trong các CD nhạc Thánh
ca để hát trong Phụng vụ không?
6. Thế nào là bản văn cố định?
7. Thế nào là bản văn được thích nghi?
8. Thế nào là bản văn được thay thế?
9. Bài ca được phép Chuẩn ấn nghĩa là gì?
III. Về Thánh lễ
1. Trong Thánh lễ nên hát những phần nào?
2. Những bài ca nào trong Thánh lễ nên cho Cộng đoàn tham
gia một cách tích cực?
3. Thế nào là chọn bài hát đúng theo tiêu chuẩn của Thánh nhạc?
4. Bài Ca nhập lễ phải chọn làm sao?
5. Bài Thánh vịnh Ðáp ca phải chọn làm sao? Có thể thay thế bài
Thánh vịnh Đáp ca bằng một bài hát nào khác không?
6. Ca tiếp liên là gì và hát vào lúc nào?
7. Alleluia nghĩa là gì? Trong mùa Phụng vụ nào không hát
Alleluia?
8. Bài Ca tiến lễ phải chọn làm sao?
9. Bài Ca hiệp lễ phải chọn làm sao?
10. Thế nào là bài Ca suy niệm sau phần Hiệp lễ?
11. Im lặng thánh là gì? Trong thánh lễ, những lúc nào nên
giữ im lặng thánh?
12. Ở phần Hiệp lễ trong thánh lễ Hôn phối, có nên hát
những bài mang ý tưởng vinh danh, tri ân cảm tạ cha mẹ
hoặc cầu nguyện cho họ không?
13. Ca đoàn nên rước lễ trước hay sau Cộng đoàn?
14. Bài Ca tạ lễ phải chọn làm sao?
15. Bộ lễ gồm những kinh nào? Có thể tổng hợp nhiều
Bộ lễ lại với nhau thành một Bộ lễ để hát không?
16. Có thông cáo hoặc chỉ thị nào của Hội Đồng Giám
Mục Việt Nam chính thức ngăn cấm việc sử dụng một vài
Bộ lễ đang thịnh hành có bản văn không đúng với bản
văn qui định không?
17. Kinh Vinh danh được dùng trong những Thánh lễ nào?
18. Có được phép hát kinh Vinh danh trong thánh lễ Hôn
Phối không?
19. Rung chuông khi hát kinh Vinh danh trong những thánh lễ
nào?
20. Kinh Tin kính được dùng trong những thánh lễ nào?
21. Có thể hát bài “Tôi tin kính” của Hoài Đức thay
cho kinh Tin kính được không?
22. Lời Tung hô tưởng niệm trong Thánh lễ có mấy công
thức?
23. Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào lúc nào?
IV. Về Ca đoàn
1. Vai trò và sứ mạng của Ca đoàn đối với Cộng
đoàn trong việc ca hát như thế nào?
2. Có nên để một mình Ca đoàn phụ trách hát hết mọi
bài ca trong Thánh lễ không?
3. Làm thế nào để Cộng đoàn tham dự một cách tích
cực vào việc ca hát và để việc tập hát cho Cộng đoàn
đạt được hiệu quả?
4. Vị trí nào trong nhà thờ là thích hợp nhất cho Ca
đoàn?
5. Ngoài Thánh nhạc, Ca Đoàn có cần học hỏi thêm về
Phụng vụ không?
6. Ca đoàn có cần trau giồi thêm về nhạc lý, xướng âm
và thanh nhạc không?
7. Một ca viên lý tưởng cần phải có những khả năng và
đức tính nào?
V. Về Nhạc cụ
1. Giáo Hội cho phép và cấm sử dụng những loại
nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
2. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho phép sử dụng những
loại nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
3. Có được phép độc tấu nhạc cụ trong thánh lễ
không? Cách thức sử dụng nhạc cụ trong mùa Vọng và mùa Chay
như thế nào?
4. Vai trò của nhạc cụ gồm những gì?
5. Có được phép sử dụng nhạc thu âm trước để phụ
đệm cho Ca đoàn hay Cộng đoàn không?
6. Có nên dùng tiết điệu để phụ đệm cho các bài
Thánh ca trong Phụng vụ không?
CẨM NANG CA TRƯỞNG
Những thắc mắc thường gặp
I. Về các Văn kiện
1. Có những Văn kiện nào của Giáo
Hội liên quan đến Thánh nhạc?
Có những văn kiện tiêu biểu sau đây:
- Thông điệp “Annus qui” do Đức Bênêdictô XIV ban
hành ngày 19/02/1749.
- Tự sắc “Tra le Sollecitudini” do Đức Piô X ban hành
ngày 22/11/1903.
- Thông điệp “Divini Cultus” do Đức Piô XI ban hành ngày
20/12/1928.
- Thông điệp “Quy luật về Thánh nhạc” (Musicae sacrae
disciplina) do Đức Piô XII ban hành ngày 25/12/1955.
- “Huấn thị về Thánh nhạc” (Instructio de musica sacra) do
Thánh bộ Lễ nghi ban hành ngày 03/09/1958.
- “Hiến chế Phụng vụ” (Sacrosanctum Concilium), chương VI, do Công đồng Vaticanô II ban hành ngày 04/12/1963.
- “Huấn thị về âm nhạc trong phụng vụ” (Instructio de
musica in sacra liturgia) do Thánh bộ Lễ nghi ban hành ngày
05/03/1967.
- Qui chế tổng quát Sách lễ Rôma do Đức Phaolô VI công bố ngày 06/04/1969, với ấn bản thứ ba do Đức Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 10/04/2000.
2. Có những Thông cáo và Văn kiện nào của Hội
đồng Giám mục Việt Nam liên quan đến Thánh nhạc?
- Thông cáo số 1 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Về
Thánh nhạc”, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc
trách Thánh nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
- Thông cáo số 2 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Góp
ý về việc chuẩn nhận các bài thánh ca dùng trong Phụng
vụ”, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc trách Thánh
nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
- Thông cáo số 3 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
“Hướng dẫn sáng tác và sử dụng các bài hát trong Thánh
lễ”, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, đặc trách Thánh
nhạc, ký ban hành ngày 24/09/1994.
- Thông báo Thánh nhạc của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, do Lm. Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN-HĐGMVN ký ban hành ngày 01/11/2016.
- Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, do Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN, ký ban hành ngày 28/04/2017.
II. Về Thánh ca
1. Thánh ca nói chung gồm có mấy
loại?
Thánh ca nói chung gồm có ba loại: Phụng ca, Thánh ca và
Giáo ca.
- Phụng ca là những bài hát dùng trong các thánh lễ và
nghi thức Phụng vụ có lời ca là bản văn Phụng vụ, ví
dụ như Ca nhập lễ, Thánh vịnh Đáp ca, Ca tiến lễ, Ca hiệp lễ, Bộ lễ, các bài
Thánh thi, các Tiền xướng, v.v…
- Thánh ca là những bài hát có lời ca không phải là bản
văn Phụng vụ, nhưng đã được Giáo quyền cho phép sử
dụng trong các thánh lễ và nghi thức Phụng vụ, ví dụ như
những bài hát thay thế Ca nhập lễ, Ca tiến lễ, Ca hiệp
lễ, v.v…
- Giáo ca là những bài hát diễn tả các chân lý trong
đạo hoặc mang tâm tình đạo được dùng ngoài thánh lễ và
nghi thức Phụng vụ, trong các sinh hoạt tôn giáo, trong các
lớp giáo lý hoặc trong các buổi tĩnh tâm, hội thảo,
v.v…
2. Thế nào là thánh ca Vào đời? Có
được phép sử dụng thánh ca Vào đời trong Phụng vụ
không?
- Thánh ca Vào đời là những bài ca mang tâm tình đạo
giáo hoặc là những bài ca lấy cảm hứng từ Thánh kinh,
được sáng tác bằng những giai điệu và tiết tấu trẻ
trung, có khi kích động, của nhạc Rock và nhạc Nam Mỹ.
- Vì mục đích của những tác giả khởi xướng dòng nhạc này vào mùa hè năm 1966 (gồm một nhóm các thầy thuộc Học viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt) là để đưa
đạo vào đời, giới thiệu Chúa đến với mọi người,
mọi tầng lớp trong xã hội đời thường, nên thánh ca Vào
đời được xếp vào loại Giáo ca, chỉ nên được sử
dụng ngoài Phụng vụ mà thôi. (Xem thêm “Nói với các bạn tôi về Nhạc Vào Đời”).
3. Làm thế nào để có thể nhận
diện một bài hát Vào đời?
Một vài sắc thái đặc biệt của những bài ca Vào đời
là:
- tiết điệu Twist, Rhumba, SlowRock, Tango... được ghi ở
đầu bài hát;
- tính cách kịch trường, dùng nhiều quãng lớn liên tiếp
(Alleluia Hát Lên Người Ơi) với nhịp phách bất
thường, như đảo phách, nghịch phách (Người Gieo
Giống, Xuất Hành) của giai điệu;
- lời ca mới lạ, nếu không là những chuyện kể từ Tin
Mừng (Vào Đời, Người Gieo Giống... ) theo một
lối diễn tả mới, một văn phong mới, thì là những tâm
tình cầu nguyện qua những hình ảnh rất đời thường, đôi
khi mang tính cách cá nhân (Sao Đêm, Tôi Tin, Làm Sao Dám
Mơ... );
- giai điệu và tiết tấu của bài ca tạo sự thuận tiện
cho ban nhạc với trống, keyboard, guitars, accordion, saxophone,
trumpet... khi trình tấu.
4. Làm thế nào để phân biệt một
bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca với một bài hát Vào
đời?
Dựa trên những quy chế và huấn thị của Giáo Hội về
Phụng vụ và Thánh nhạc, chúng ta có thể liệt kê ra một
vài điểm dị biệt đưới đây:
- ý tưởng và lời ca của một bài Phụng ca hoặc một
bài Thánh ca thường là bản văn Phụng vụ do Giáo Hội soạn
thảo, hoặc được rút tỉa từ Thánh kinh, Thánh vịnh;
còn ý tưởng và lời ca của một bài hát Vào đời thường
là do cảm hứng hoặc tự sáng tạo;
- tâm tình thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ và cầu xin của
những bài Phụng ca và Thánh ca mang nhiều tính cách cộng
đoàn hơn so với tính cách thiên về cá nhân ở những bài
hát Vào đời;
- giai điệu và tiết tấu của những bài Phụng ca và
Thánh ca có tính cách đơn sơ, bình dị, trang nghiêm và phù
hợp với khả năng ca hát của cộng đoàn, khác với giai
điệu và tiết tấu ở những bài hát Vào đời có tính cách
cầu kỳ, sôi nổi, phóng khoáng và đôi khi chỉ thích hợp
cho ca sĩ hoặc cho một nhóm ca viên có khả năng;
- một bài Phụng ca hoặc một bài Thánh ca luôn đòi buộc
sự kiểm duyệt của đấng Bản quyền trước khi được
phép in ấn, phổ biến rộng rãi và sử dụng trong Phụng
vụ; nhưng một bài hát Vào đời chỉ sử dụng ngoài Phụng
vụ thường không có sự đòi buộc này.
5. Có được phép dùng những bài ca
trong các CD nhạc Thánh ca để hát trong Phụng vụ không?
- Được phép, nếu những bài ca này là những bài Phụng
ca có lời ca là bản văn Phụng vụ, hoặc là những bài
Thánh ca đã được Giáo quyền chuẩn ấn và cho phép sử
dụng trong Phụng vụ.
- Không được phép, nếu những bài ca này là những bài
Giáo ca, những bài ca Vào đời, hoặc là những bài Tâm tình
ca chỉ thích hợp cho những sinh hoạt ngoài khung cảnh
Phụng vụ.
Cũng cần lưu ý điều này là những bài Phụng ca và Thánh
ca được trình bày trong các CD nhạc có thể có những
sắc thái không hoàn toàn phù hợp với khung cảnh Phụng vụ,
như lối phụ đệm “kích động” của ban nhạc hoặc
như lối trình tấu nhiều “luyến láy” của một vài ca
sĩ. Vì thế, khi áp dụng vào khung cảnh Phụng vụ, chúng ta
cần biết thanh lọc, tu chỉnh lại, sao cho lối phụ đệm
và trình tấu mang tính cách thánh thiện và trang nghiêm,
phù hợp với khung cảnh Phụng vụ và tâm tình cầu nguyện
hơn.
6. Thế nào là bản văn cố định?
Bản văn cố định là những bản văn buộc phải được
giữ đúng nguyên bản đã được Hội Đồng Giám Mục
chuẩn nhận và được Toà Thánh châu phê.
Các bản văn cố định trong Nghi thức Thánh lễ gồm có:
các Lời cầu nguyện của chủ tế, Bộ lễ, Thánh vịnh Đáp Ca, các Lời tung
hô, các Lời đối đáp giữa Linh mục hoặc Phó tế với
cộng đoàn, kinh Tiền Tụng, kinh Nguyện Thánh Thể, kinh Lạy
Cha.
Điều 3 trong “Huấn thị thứ ba nhằm áp dụng đúng
Hiến chế Phụng vụ” do Thánh bộ Phụng tự ban hành ngày
05/09/1970 viết: “Các bản văn Phụng vụ do Giáo Hội
soạn thảo cần phải được sử dụng một cách hết sức
kính cẩn. Vì thế, không ai được tự ý huỷ bỏ, bày
đặt thêm bớt hay thay đổi gì. Riêng đối với Nghi thức
Thánh lễ, phải đặc biệt tôn trọng. Trong các bản dịch
chính thức, tuyệt đối cấm không được thay đổi các công
thức trong Nghi thức, dù lấy lý do phải thay đổi cho dễ
làm bài hát trong thánh lễ” (Tài liệu Thánh Nhạc -
1994).
7. Thế nào là bản văn được thích
nghi?
Bản văn được thích nghi là những bản văn có thể thay
đổi hoặc sắp xếp lại một vài từ ngữ hoặc câu cú
để tiện việc dệt nhạc, nhưng vẫn phải giữ đúng ý
nghĩa của bản văn gốc in trong Sách lễ Rôma.
Các bản văn được thích nghi gồm có: Ca nhập lễ, Ca
tiến lễ và Ca hiệp lễ.
8. Thế nào là bản văn được thay
thế?
Bản văn được thay thế bao gồm các bài Ca nhập lễ và
Ca hiệp lễ in trong Sách lễ Rôma. Có thể thay thế những
bản văn gốc này bằng những nội dung khác, nếu ý nghĩa
thực sự phù hợp với phần thánh lễ, với chủ đề ngày
lễ hoặc với mùa Phụng vụ.
Riêng bản văn Thánh vịnh Đáp ca, vì thuộc thành phần Phụng vụ
Lời Chúa nên không được thay thế bằng một bản văn
không-phải-là-Thánh-kinh; nhưng có thể được thay thế bằng
một trong các bản văn Thánh vịnh Đáp ca và Thánh vịnh mà Giáo Hội
đã chọn cho từng mùa Phụng vụ hoặc cho từng loại thánh
lễ (xem thêm chương III, 5 dưới đây).
9. Bài ca được phép Chuẩn ấn nghĩa
là gì?
Một bài thánh ca, muốn được sử dụng trong Phụng vụ,
cần phải có phép Chuẩn ấn của Ðức Giám Mục địa
phương. Nếu là những cung hát dành cho Chủ tế hoặc các Tá
viên, những cung hát này phải do Hội Ðồng Giám Mục của
một quốc gia ban phép Chuẩn ấn.
Phép Chuẩn ấn (Imprimatur: cho phép in) là sự chuẩn
nhận của Đức Giám Mục địa phương, sau khi đã cùng
với Ban Kiểm duyệt của Giáo phận duyệt xét và xác nhận
không có điều gì sai lầm hoặc nghịch với tín lý của
Giáo Hội, cho phép một tài liệu hay một cuốn sách về
Tín lý, về Luân lý, về Thần học, về Phụng vụ, về
Thánh nhạc, v.v... được in ra và phổ biến rộng rãi, được
dùng để giảng dạy hoặc được sử dụng trong Phụng
vụ.
Tiến trình xin phép Chuẩn ấn như sau:
a) Tác phẩm xin phép Chuẩn ấn gồm hai bản sao trước
hết được gởi đến Ban Kiểm duyệt của Giáo phận để
các bộ phận chuyên môn duyệt xét và xác nhận Nihil
obstat (không có gì ngăn trở).
b) Sau đó, Ban Kiểm duyệt sẽ đệ trình tác phẩm xin phép
Chuẩn ấn lên Đức Giám Mục để châu phê
Imprimatur (cho phép in).
Nếu tác giả của tác phẩm xin phép Chuẩn ấn là một Tu
sĩ Dòng, trước khi gởi tác phẩm đến Ban Kiểm duyệt
của Giáo phận, vị ấy có thể trình qua đấng Bề trên
Dòng để được duyệt phê Imprimi potest (có thể in).
Trong tiến trình kiểm duyệt Nihil obstat ->
Imprimatur hoặc Imprimi potest -> Nihil obstat ->
Imprimatur, chữ ký Imprimatur của một Đức Giám Mục
hay của Hội Đồng Giám Mục thực sự quan trọng và cần
thiết để một tác phẩm được in ấn, được phổ biến,
được dùng để giảng dạy hay được sử dụng trong
Phụng vụ.
III. Về Thánh lễ
1. Trong Thánh lễ nên hát những phần
nào?
Theo “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma”, trong thánh lễ
có cộng đoàn tham dự, nên hát những bài ca sau đây:
- Ca nhập lễ
- Bộ lễ (gồm kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin
kính, kinh Thánh Thánh Thánh và kinh Lạy Chiên Thiên Chúa)
- Thánh vịnh Đáp ca và Alleluia hoặc Tung hô Tin Mừng.
- Ca tiếp liên (trong các lễ Phục Sinh, lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống, lễ Mình Máu Chúa và lễ Đức Mẹ sầu
bi)
- Ca tiến lễ
- Lời tung hô tưởng niệm
- Vinh tụng ca (Amen)
- Kinh lạy Cha
- Ca hiệp lễ
- Ca tạ lễ
2. Những bài ca nào trong Thánh lễ
nên cho Cộng đoàn tham gia một cách tích cực?
- Thánh vịnh Ðáp ca, Alleluia hoặc Tung hô Tin Mừng
- Bộ lễ, Lời tung hô tưởng niệm, Vinh tụng ca, Kinh lạy
Cha
- Ca nhập lễ
- Ca tạ lễ
3. Thế nào là chọn bài hát đúng theo tiêu chuẩn của Thánh nhạc?
Bài hát đúng theo tiêu chuẩn của Thánh nhạc là:
a) bài hát có lời ca là bản văn Phụng vụ được in trong sách “Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum) hoặc trong sách “Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum simplex) hoặc trong sách Bài Đọc;
b) bài hát có ý nghĩa phù hợp với tác động Phụng vụ hoặc phần cử hành Phụng vụ;
c) bài hát có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ hoặc với tâm tình của mùa Phụng vụ;
d) bài hát đã được phép Chuẩn ấn của Thẩm quyền
địa phương.
4. Bài Ca nhập lễ phải chọn làm
sao?
Có thể chọn:
a) ưu tiên cho bài hát có bản văn được in trong sách “Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum) hoặc trong sách “Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum simplex);
b) hoặc một bài hát đã được Thẩm quyền phê chuẩn:
- có ý nghĩa phù hợp với tác động Phụng vụ (như rước Linh mục và các thừa tác viên tiến lên bàn thờ);
- hoặc có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ (như lễ Chúa Kitô là Vua, lễ Mẹ vô nhiễm nguyên tội, v.v...);
- hoặc có tâm tình phù hợp với mùa Phụng vụ (như mùa Vọng, mùa Chay, v.v...).
5. Bài Thánh vịnh Ðáp ca phải chọn làm sao? Có
thể thay thế bài Thánh vịnh Đáp ca bằng một bài hát nào khác
không?
Có thể chọn:
a) bài hát có bản văn phù hợp với Thánh vịnh Đáp ca được chỉ định trong sách Bài Đọc (Lưu ý:mỗi bản văn Thánh vịnh đều liên quan trực tiếp đến các Bài Đọc, vì thế, cần phải lựa chọn đúng bản văn đã được chỉ định và không được sử dụng bài-hát-không-phải-là-bản-văn-Thánh-Kinh để thay thế Thánh vịnh Đáp ca);
b) bài hát có bản văn phù hợp với những Thánh vịnh Đáp ca đã được Giáo hội lựa chọn và cho phép sử dụng theo từng mùa Phụng vụ hoặc theo từng loại lễ dưới đây:
- Mùa Vọng: TV.24 (như CN 1 Vọng-C); TV.84 (như CN 2 Vọng-B);
- Mùa Giáng sinh: TV.97 (như lễ Giáng sinh-ban ngày);
- Tuần lễ Hiển linh: TV.71
- Mùa Chay: TV.50 (như thứ Tư lễ Tro); TV.90 (như CN 1 Chay-C);
TV.129 (như CN 5 Chay-A);
- Tuần Thánh: TV.21 (như CN lễ Lá);
- Mùa Phục sinh: TV.117 (như CN Phục sinh); TV.65 (như CN 6
PS-A);
- Mùa Thường niên: TV.18B (như CN 3 TN-C); TV.26 (như CN 3
TN-A); TV.33 (như CN 19 TN-B); TV.62 (như CN 12 TN-C); TV.94 (như CN 4
TN-B); TV.99 (như CN 11 TN-A); TV.102 (như CN 7 TN-A); TV.144 (như CN
14 TN-A).
c) bài Ca tiến cấp (Graduale) in trong Sách lễ Rôma.
6. Ca tiếp liên là gì và hát vào lúc
nào?
Hiểu một cách đơn giản, bài Ca tiếp liên là một thánh
thi hoặc một vịnh ca được hát trước Alleluia và bài Tin
Mừng. Bài thơ thường có nội dung phù hợp với ý nghĩa
của ngày lễ.
Các lễ dưới đây có bài Ca tiếp liên:
- lễ Phục Sinh,
- lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống,
- lễ Mình Máu Thánh Chúa,
- lễ Đức Mẹ sầu bi (15/09),
- lễ Cầu hồn - An táng.
Hiện nay Giáo Hội chỉ buộc đọc hoặc hát Ca tiếp liên
trong hai lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (trước khi hát Alleluia); trong lễ Mình Máu Thánh Chúa và lễ Ðức Mẹ sầu bi thì được tuỳ ý; còn Ca tiếp liên trong lễ Cầu hồn - An táng đã được loại bỏ.
7. Alleluia nghĩa là gì và cách thực hành ra sao? Trong mùa
Phụng vụ nào không hát Alleluia?
- Alleluia là một từ ghép của Allelu- (hãy ngợi
khen) và Ia (Thiên Chúa). Đây là lời tung hô cần được thể hiện bằng tiếng hát của cả Cộng đoàn, để chào đón Chúa sắp nói với mình trong Tin mừng, cũng như để tuyên xưng niềm tin của mình.
- Cách thực hành như sau: Ca xướng viên hoặc Ca đoàn xướng câu Alleluia trước, cả Cộng đoàn đứng hát lập lại, Ca xướng viên hoặc Ca đoàn hát câu Tung hô trước Tin mừng lấy ở sách Bài Đọc hoặc sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum), sau đó cả cộng đoàn hát lập lại câu Alleluia.
- Trong mùa Chay không hát Alleluia, nhưng có thể dùng một trong hai câu dưới đây để hát trước và sau câu Tung hô: (a) Lạy Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài, hoặc (b) Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng và tôn vinh Ngài.
- Vì Alleluia và câu Tung hô trước Tin mừng là để hát, cho nên khi thánh lễ chỉ có một bài đọc trước bài Tin mừng (chẳng hạn thánh lễ ngày thường), nếu không hát, có thể bỏ cả Alleluia và câu Tung hô; hoặc chỉ cần hát bài Thánh vịnh Đáp ca có chữ “Alleluia” ngay trước bài Tin mừng.
- Dĩ nhiên, trong thánh lễ Chúa nhật và các lễ Trọng, khi có hai bài đọc trước bài Tin mừng thì phải hát đầy đủ Alleluia và câu Tung hô trước Tin mừng (hoặc câu Tung hô trước Tin mừng trong mùa Chay), không được bỏ.
8. Bài Ca tiến lễ phải chọn làm sao?
Cũng giống như bài Ca nhập lễ, có thể chọn:
a) ưu tiên cho bài hát có bản văn được in trong sách “Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum) hoặc trong sách “Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum simplex);
b) hoặc một bài hát đã được Thẩm quyền phê chuẩn:
- có tâm tình chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa (như TV. 140);
- hoặc có ý nghĩa phù hợp với phần cử hành Phụng vụ (chuẩn bị các lễ vật như bánh, rượu, nước, chén thánh, v.v…);
- hoặc có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ hay phù hợp với tâm tình của mùa Phụng vụ;
c) hoặc giữ thinh lặng hay dạo một khúc nhạc để giáo dân nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
9. Bài Ca hiệp lễ phải chọn làm
sao?
Có thể chọn:
a) ưu tiên cho bài hát có bản văn được in trong sách “Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum) hoặc trong sách “Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma” (Graduale Romanum simplex);
b) hoặc một bài hát đã được Thẩm quyền phê chuẩn:
- có ý nghĩa phù hợp với phần thánh lễ: kết hiệp với Chúa, ngợi khen và cám tạ ơn Người;
- hoặc biểu hiện tình bác ái huynh đệ giữa những người đang cùng chia sẻ một tấm bánh;
- hoặc có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ hay phù hợp với tâm tình của mùa Phụng vụ;
c) hoặc hát Thánh vịnh 33 (Hãy nếm thử và hãy nhìn
coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao... ).
Lưu ý: Không nên chọn những bài hát thuần túy ca
ngợi Đức Mẹ và Chư thánh để hát thay thế Ca hiệp
lễ.
10. Thế nào là bài Ca suy niệm sau
phần Hiệp lễ?
Sau khi hoàn tất việc rước lễ, vị Chủ tế và Cộng
đoàn có thể tuỳ nghi giữ im lặng trong một khoảng thời
gian, hoặc có thể hát một bài Ca suy niệm là một Thánh
thi, một Thánh vịnh, hay một bài ca mang tâm tình ngợi khen,
tán tụng Thiên Chúa.
Lưu ý: Nếu có ý định hát bài Ca suy niệm sau
phần Hiệp lễ thì phải liệu kết thúc bài Ca hiệp lễ cho
đúng lúc, nghĩa là vừa khi vị Chủ tế và các thừa tác
viên Thánh Thể cho giáo dân rước lễ xong.
11. Im lặng thánh là gì? Trong thánh
lễ, những lúc nào nên giữ im lặng
thánh?
Im lặng thánh, một thành phần của việc cử hành thánh
lễ, là khoảng thời gian ngắn dành để hồi tâm, suy niệm,
ngợi khen và cầu nguyện.
Trong thánh lễ, cộng đoàn được mời gọi giữ im lặng:
- trong Nghi thức sám hối, sau lời mời cầu nguyện (để
mọi người cùng hồi tâm lại);
- sau mỗi Bài đọc và sau bài giảng thuyết (để suy niệm
về những điều vừa nghe);
- sau phần Hiệp lễ (để ngợi khen Chúa và cầu nguyện).
12. Ở phần Hiệp lễ trong thánh lễ
Hôn phối, có nên hát những bài mang ý tưởng vinh danh, tri
ân cảm tạ cha mẹ hoặc cầu nguyện cho họ không ?
Bài Ca hiệp lễ cần biểu hiện tâm tình kết hiệp với
Chúa, ngợi khen và cám tạ ơn Người, hoặc nói lên tình
bác ái huynh đệ giữa những người đang cùng chia sẻ một
tấm bánh, vì thế, hát bài ca vinh danh, tri ân cảm tạ cha
mẹ và cầu nguyện cho họ trong phần Hiệp lễ thì không
thích hợp.
Cũng không nên dùng những bài ca loại này để hát thay
thế bài Ca suy niệm sau phần Hiệp lễ vốn phải là một
Thánh thi, một Thánh vịnh hay một bài ca ngợi khen Chúa.
(Khung cảnh thích hợp nhất cho những bài ca vinh danh,
tri ân cảm tạ cha mẹ và cầu nguyện cho họ là những
buổi lễ Gia tiên hoặc những giờ kinh nguyện trong gia
đình).
13. Ca đoàn nên rước lễ trước hay
sau Cộng đoàn?
Theo “Quy chế Sách lễ Rôma” (số 86: Đang khi vị tư
tế rước lễ thì bắt đầu hát Ca hiệp lễ), Ca
đoàn nên rước lễ sau khi giáo dân rước lễ xong. Như vậy,
trong lúc Ca đoàn rước lễ, Cộng đoàn có thể giữ một
khoảng im lặng thánh để suy niệm, ngợi khen và cầu
nguyện, trước khi hát bài Ca suy niệm, nếu cần.
14. Bài Ca tạ lễ phải chọn làm sao?
Có thể chọn một bài hát đã được Thẩm quyền phê chuẩn:
- có ý nghĩa ra đi sống đức tin giữa đời, ra đi rao giảng Tin mừng;
- hoặc có ý nghĩa phù hợp với chủ đề của ngày lễ (như lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ kính Lòng Chúa thương xót, lễ Thánh nữ Monica, v.v...);
- hoặc có tâm tình phù hợp với mùa Phụng vụ;
- hoặc một bài hát về Thánh Tâm Chúa, về Ðức Mẹ, về Thánh Giuse... trong những tháng dành riêng để tôn kính các ngài.
15. Bộ lễ gồm những kinh nào? Có
thể tổng hợp nhiều Bộ lễ lại với nhau thành một Bộ
lễ để hát không?
Bộ lễ (dịch từ tiếng La-tinh “Missa”) là một
tổng hợp các kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Tin kính,
kinh Thánh Thánh Thánh và kinh Lạy Chiên Thiên Chúa.
Đúng như tên gọi của nó, Bộ lễ phải được sáng tác
trong một tổng thể, với một bố cục, một cấu trúc
đồng nhất, các phần đều phải liên quan và kết hợp
chặt chẽ với nhau, từ nhạc đề, âm thể đến giai điệu,
nhạc sắc, v.v... Mỗi phần tự nó không thể được tách
rời để làm một toàn phẩm, nhưng tất cả phải được
liên kết lại với nhau để cấu tạo nên một toàn phẩm
(xem “Tự sắc Tra le Sollecitudini”, số 11a).
Vậy thì khi trình tấu, chúng ta cũng phải hát Bộ lễ
trong một toàn phẩm, bộ nào ra bộ nấy, không nên pha trộn
các Bộ lễ lại với nhau, cho dù những Bộ lễ ấy có
cùng một âm thể, mang cùng một giai điệu, hay của cùng một
tác giả.
16. Có thông cáo hoặc chỉ thị nào
của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức ngăn cấm
việc sử dụng một vài Bộ lễ đang thịnh hành có bản văn
không đúng với bản văn qui định không?
Không thấy hoặc chưa thấy có thông cáo hoặc chỉ thị
nào của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cập trực tiếp
đến việc ngăn cấm một Bộ lễ nào đó, ngoại trừ
trong Thông cáo số 3 “Hướng dẫn sáng tác và sử dụng các
bài hát trong Thánh lễ”, khi nói về bản văn cố định,
đề mục 3a có viết: “Với các bản văn thuộc nghi
thức Thánh lễ như: các lời cầu nguyện của chủ tế,
bộ lễ, các lời tung hô, các lời đối đáp giữa Linh mục
hoặc Phó tế với cộng đồng, kinh Tiền tụng, kinh
nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha... phải theo sát bản văn đã
được HĐGM chuẩn nhận và được Toà Thánh châu phê, in
trong sách lễ Rôma: không được thay đổi vì bất cứ lý do
gì” ; và trong Thông cáo số 2 “Góp ý về việc
chuẩn nhận các bài thánh ca dùng trong Phụng vụ”, khi nói về
bản văn Phụng vụ, đề mục 4a cũng đã có nhấn mạnh:
“Trong Phụng vụ, nhất là trong thánh lễ, một số
bản văn có tính cách cố định thì không ai được thay
đổi vì bất cứ lý do gì, dù để dễ hát…”.
Như vậy, mặc dù không có lệnh cấm, chúng ta vẫn bắt
buộc phải hiểu rằng những Bộ lễ có bản văn không
đúng với bản văn qui định thì không được phép dùng trong
Phụng vụ.
17. Kinh Vinh danh được dùng trong
những Thánh lễ nào?
Kinh Vinh danh được hát hoặc đọc trong các thánh lễ Chúa
nhật (ngoại trừ mùa Vọng và mùa Chay), trong các
lễ Trọng, lễ Kính và trong các dịp cử hành riêng có tính cách khá long trọng
(như lễ Cung hiến thánh đường, lễ Truyền chức Linh mục,
v.v…).
18. Có được phép hát kinh Vinh danh
trong thánh lễ Hôn Phối không?
Được phép! Theo sách Nghi thức cử hành Hôn Nhân, bản dịch Việt ngữ 2008 của Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, sau công thức đầu lễ, Linh mục chủ tế ngỏ đôi lời với những người sắp kết hôn, rồi bỏ qua hành động thống hối, ngài xướng kinh Vinh danh cho mọi người cùng hát.
19. Rung chuông khi hát kinh Vinh danh
trong những thánh lễ nào?
Rung chuông khi hát kinh Vinh danh trong lễ Ðêm Giáng sinh, lễ
Tiệc ly chiều thứ Năm tuần thánh và lễ Đêm vọng Phục Sinh.
20. Kinh Tin kính được dùng trong
những thánh lễ nào?
Kinh Tin kính được hát hoặc đọc trong các thánh lễ Chúa
nhật, trong các lễ Trọng và trong các dịp lễ khá long
trọng (như lễ Cung hiến thánh đường).
Tuy nhiên, không hát hoặc không đọc kinh Tin kính trong Đêm
vọng Phục Sinh và trong các ngày lễ hoặc dịp lễ
buộc phải hát hoặc đọc kinh này, khi trong thánh lễ có
ban Bí tích Rửa tội hoặc Bí tích Thêm sức, vì trong cả
ba trường hợp đều đã có nghi thức tuyên xưng đức tin
trước đó.
21. Có thể hát bài “Tôi tin kính”
của Hoài Đức thay cho kinh Tin kính được không?
Không thấy có Huấn thị hoặc Thông cáo về Thánh nhạc
nào của Hội đồng Giám mục Việt Nam đề cập đến vấn
đề này. Tuy nhiên, qua bản tin tháng 12/2006
(http://www.usccb.org/liturgy/innews/December2006.pdf), Uỷ ban Phụng
vụ trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (HÐGMHK) cho biết: vào ngày 26/09/2006, trong thư thông báo cho Ðức cha William Skytad, chủ tịch HÐGMHK, về “Bản dịch mới của Nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Việt” để xin ngài phổ biến rộng rãi đến cộng đồng tín hữu Việt Nam, Ðức cha Nguyễn Văn Hoà đã đồng thời nêu rõ ra kinh Tin kính của Hoài Ðức vốn còn thiếu sót, chỉ bao gồm có hai đặc tính của Giáo hội, và khuyên cộng đồng tín hữu Việt Nam không nên sử dụng bản kinh này nữa.
22. Lời Tung hô tưởng niệm trong
Thánh lễ có mấy công thức?
Có ba công thức như sau:
a) Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên
xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến.
b) Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con
loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến.
c) Lạy Chúa cứu thế, Chúa đã dùng thánh giá và sự
phục sinh của Chúa để giải thoát chúng con. Xin cứu độ
chúng con.
23. Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào
lúc nào?
Kinh lạy Chiên Thiên Chúa hát vào lúc vị Chủ tế bẻ
bánh và bỏ một phần vào trong chén thánh. Kinh này có thể
được lặp đi lặp lại cho tới khi vị Chủ tế hoàn tất
việc bẻ bánh, và kết thúc bằng câu “Xin ban bỉnh an
cho chúng con”.
IV. Về Ca đoàn
1. Vai trò và sứ mạng của Ca đoàn
đối với Cộng đoàn trong việc ca hát như thế nào?
Là một thành phần được tuyển chọn giữa Cộng đoàn
nhờ vào khả năng chuyên môn về âm nhạc, Ca đoàn đóng
một vai trò nồng cốt làm một nhân tố, một chất xúc tác,
có nhiệm vụ hỗ trợ, nâng đỡ tiếng hát của Cộng
đoàn, đồng thời điều khiển, hướng dẫn và cổ vũ Cộng
đoàn tham gia một cách tích cực vào việc ca hát trong
Phụng vụ.
2. Có nên để một mình Ca đoàn phụ
trách hát hết mọi bài ca trong Thánh lễ không?
Không! Lý do là vì Ca đoàn chỉ là một thành phần nhỏ
của Cộng đoàn, mà các cử hành Phụng vụ lại luôn đòi
hỏi tính cộng đoàn, nghĩa là tất cả mọi thành phần
dân Chúa đều được mời gọi tham dự một cách tích cực,
trọn vẹn và linh động vào việc cử hành Phụng vụ.
Trong Thông điệp “Đấng trung gian của Thiên Chúa”
(Mediator Dei) ban hành ngày 20/11/1947, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã
viết: “Tín hữu tham dự các cử hành Phụng vụ
thánh không thể là những khán giả câm lặng và xa lạ… Họ
phải cảm nhận một cách sâu xa nét thẩm mỹ của Phụng
vụ: họ phải lần lượt, theo luật định, góp tiếng
với Chủ tế và Ca đoàn…”.
Vì thế, nhất thiết phải để Cộng đoàn tham dự vào
việc ca hát, đặc biệt là những phần của họ như Thánh vịnh Đáp ca,
Alleluia, Bộ lễ, v.v… (xem thêm Chương III, 2 trên
đây).
3. Làm thế nào để Cộng đoàn tham
dự một cách tích cực vào việc ca hát và để việc tập
hát cho Cộng đoàn đạt được hiệu quả?
- giáo huấn cho Cộng đoàn hiểu thấu được tầm quan
trọng của Thánh nhạc và vai trò của họ trong Phụng vụ;
- cho Cộng đoàn thường xuyên tham gia vào việc ca hát,
đặc biệt là những phần của họ;
- chuẩn bị đủ sách hát hoặc các tài liệu cần thiết;
- chọn những bài hát tâm tình, mang tính cộng đoàn, nhất
là phải phù hợp với ý nghĩa Phụng vụ của ngày lễ;
- chọn những bài hát đơn giản, có một hoặc hai bè,
với âm vực vừa phải, hạn hẹp trong một bát độ (đồ -
đố) để mọi lứa tuổi đều có thể dễ dàng tham gia;
- người tập hát cho Cộng đoàn phải luôn luôn chuẩn xác
khi hát mẫu, cũng như Ca đoàn cần phải tích cực dự
phần vào việc tập hát để nâng đỡ tiếng hát của Cộng
đoàn.
4. Vị trí nào trong nhà thờ là thích
hợp nhất cho Ca đoàn?
Từ xưa nay, Giáo Hội vẫn không xác định một vị trí
cố định cho Ca đoàn, mặc dù đa số các Ca đoàn thường
được xếp chỗ trên “gác đàn” (tầng lầu ở phía
cuối nhà thờ). Vị trí cách biệt với Cộng đoàn này xem ra
không phù hợp với những chỉ dẫn ở số 23 của “Huấn
thị về Âm nhạc trong Phụng vụ" (Instructio de Musica in
Sacra Liturgia) do Thánh Bộ Nghi Lễ ban hành ngày 05/03/1967, như
sau:
"Tùy cách xếp đặt ở mỗi nhà thờ, nhóm Ca viên sẽ
được xếp chỗ thế nào:
- để cho bản tính của Ca đoàn được tỏ hiện, nghĩa
là Ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tín hữu và chu
toàn một nhiệm vụ đặc biệt;
- để Ca viên có thể chu toàn cách tốt nhất chức năng
phụng vụ của mình;
- để mỗi người trong nhóm có thể dễ dàng tham dự
đầy đủ thánh lễ, nhờ việc rước lễ. Khi Ca đoàn gồm
phái nữ thì phải xếp ngoài gian thánh."
Vì thế, một khoảng không gian giữa hai khu vực bàn thờ
và cộng đoàn, hoặc ở một bên cánh, gần gian cung thánh
và những hàng ghế đầu của giáo dân là những vị trí
thích hợp nhất cho Ca đoàn.
5. Ngoài Thánh nhạc, Ca Đoàn có cần
học hỏi thêm về Phụng vụ không?
Trước kia, trong Thông điệp “Qui luật về Thánh nhạc”
(Musicae Sacrae Disciplina) ban hành ngày 25/12/1955, Đức Piô XII
gọi “Thánh nhạc là trợ tá của Phụng vụ”.
Nhưng gần đây, trong “Hiến chế về Phụng vụ thánh”
(Hiến chế Sacrosanctum Concilium), số 112, Công đồng
Vaticanô II đã thay đổi quan niệm về Thánh nhạc, cho rằng Thánh
nhạc không chỉ làm cho các lễ nghi Phụng vụ thêm phần
long trọng hoặc giúp cho các tín hữu thêm sốt sắng mà
Thánh nhạc còn là chính Phụng vụ.
Vì thế, việc Ca đoàn tìm hiểu và học hỏi thêm về
Thánh nhạc cũng như về Phụng vụ là điều đáng khuyến
khích và cổ võ.
a) Kiến thức về Thánh nhạc và những qui luật của nghệ
thuật thánh này giúp cho Ca đoàn biết lựa chọn, sử
dụng và trình bày đúng đắn những bài thánh ca sao cho phù
hợp với các cử hành Phụng vụ theo qui định của Giáo
Hội.
b) Kiến thức về Phụng vụ giúp cho Ca đoàn hiểu biết
một cách sâu xa và đầy đủ về ý nghĩa, tâm tình và mục
đích của Phụng vụ, để họ không những khơi dậy
được lòng sốt sắng và niềm tin nơi Cộng đoàn tín hữu mà
chính bản thân họ còn được thôi thúc trở nên thánh
thiện và gương mẫu hơn qua những bài ca nguyện họ trình
tấu.
6. Ca đoàn có cần trau giồi thêm về
nhạc lý, xướng âm và thanh nhạc không?
Một trong hai đặc tính của Thánh nhạc là “thể
hiện một hình thức nghệ thuật cao” (Instructio De Musica
In Sacra Liturgia, số 4a), vì thế, mọi thành viên của ca
đoàn, từ ca trưởng đến ca viên, đều phải học hỏi,
trau giồi và tập luyện không ngừng để nâng cao trình độ
âm nhạc và để có thể giúp cộng đoàn một cách hữu
hiệu hơn.
Lợi ích thiết thực của việc trau giồi và tập luyện
gồm có:
a) Nhạc lý: giúp hiểu rõ bài hát, bản nhạc để trình
bày một cách đúng đắn và có tâm tình.
b) Xướng âm: giúp trình bày một cách chính xác bốn đặc
tính của âm thanh là cao độ, trường độ, cường độ
và các sắc thái của âm thanh.
c) Thanh nhạc: giúp cho giọng hát được tròn trịa, đầy
đặn, ngân vang và nhất là rõ lời, yếu tố quan trọng
nhất của việc ca hát trong Phụng vụ.
7. Một ca viên lý tưởng cần phải
có những khả năng và đức tính nào?
Là thành phần được tuyển chọn để chu toàn một nhiệm
vụ đặc biệt và cao quí trong Phụng vụ, một ca viên lý
tưởng cần phải đáp ứng được những nhu cầu thiết
yếu của Thánh nhạc là “biểu lộ sự thánh thiện
và thể hiện một hình thức nghệ thuật cao” .
- Muốn biểu lộ được sự thánh thiện, bản thân ca viên
phải là một người đạo đức và gương mẫu, có tinh
thần hy sinh, yêu mến và phục vụ tha nhân.
- Muốn thể hiện được hình thức nghệ thuật cao, bản
thân ca viên phải có kiến thức âm nhạc, khả năng ca hát,
và siêng năng trau giồi, tập luyện.
V. Về Nhạc cụ
1. Giáo Hội cho phép và cấm sử
dụng những loại nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
Tài liệu đề cập đến việc sử dụng nhạc cụ trong
Phụng vụ một cách chi tiết nhất là “Tự sắc Tra le
sollecitudini” của ĐGH Piô X ban hành năm 1903 (số 19 và 20),
trong đó Giáo Hội:
- Cho phép và đặc biệt khuyến khích sử dụng đại phong
cầm (đàn ống: pipe organ).
- Cho phép sử dụng với số lượng hạn chế trong một
số trường hợp đặc biệt với sự chấp thuận của Thẩm
quyền địa phương các loại phong cầm và các nhạc cụ
nhỏ chơi bằng vĩ như vĩ cầm (violin).
- Cấm sử dụng dương cầm (piano) và những nhạc cụ gây
ồn ào huyên náo khác như guitars, trống, chũm choẹ
(cymbals), trống lục lạc (tambourines), chuông.
- Cấm sử dụng ban nhạc, các nhạc cụ chơi tự động và
nhạc thu âm.
Tuy nhiên gần đây hơn, trong “Hiến chế Phụng vụ”
của Công đồng Vaticanô II, số 120 (ban hành ngày 04/12/1963) và
trong “Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ” của
Thánh bộ Lễ nghi, các số 61-67 (ban hành ngày 05/03/1967), bên
cạnh việc tiếp tục đề cao đại phong cầm, Giáo Hội
để các Thẩm quyền địa phương tuỳ nghi phán đoán và phê
chuẩn những nhạc cụ nào khác được phép sử dụng,
miễn là các nhạc cụ này có thể phục vụ một cách hữu
hiệu cho việc cử hành Phụng vụ, thích hợp với sự trang
nghiêm của thánh đường và thực sự giúp cho Cộng đoàn
được sốt sắng hơn.
2. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho
phép sử dụng những loại nhạc cụ nào trong Phụng vụ?
Trong “Thông cáo số 1 của HĐGM Việt Nam về Thánh
nhạc” do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà ký ban hành vào ngày
24/09/1994, HĐGM Việt Nam cổ vũ việc sử dụng đại phong
cầm trong Phụng vụ và “trong khi chờ đợi những quy
định cụ thể” , cho phép sử dụng những nhạc cụ
khác để nâng cao tiếng hát.
Bản Thông cáo không ngăn cấm một nhạc cụ nào, kể cả
piano, keyboard, guitars, dàn trống, dàn kèn, dàn nhạc hoà
tấu..., mà chỉ lưu ý không nên sử dụng những kỹ thuật
không phù hợp với khung cảnh Phụng vụ dưới đây:
- không đệm át tiếng hát;
- không vuốt tay trên phím đàn piano hoặc keyboard;
- không dùng những nút “điệu” tự động;
- không dùng những âm thanh xa lạ với khung cảnh thờ
phượng;
- không chơi các điệu nhạc Jazz;
- và không hoà tấu các bản nhạc đời, nhạc thời trang.
3. Có được phép độc tấu nhạc
cụ trong thánh lễ không? Cách thức sử dụng nhạc cụ trong
mùa Vọng và mùa Chay như thế nào?
- Theo “Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ” của
Thánh bộ Lễ nghi, các số 64-65 (05/03/1967), trong thánh lễ,
được phép độc tấu đại phong cầm hoặc một nhạc cụ
nào khác đã được chính thức thừa nhận trước khi vị
Chủ tế đến bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước
lễ và lúc cuối lễ khi ra về. Tuy nhiên, không được phép
độc tấu nhạc cụ trong mùa Vọng, mùa Chay, trong tuần Tam
nhật Vượt qua và trong nghi thức An táng hoặc trong thánh
lễ An táng.
- Theo Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 313, trong mùa
Vọng được phép sử dụng đại phong cầm và các nhạc cụ
khác một cách vừa phải, sao cho phù hợp với đặc tính
của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn
của lễ Giáng Sinh. Trong mùa Chay, chỉ sử dụng đại phong
cầm và các nhạc cụ khác để trợ giúp tiếng hát mà
thôi, ngoại trừ Chúa Nhật Laetare (CN IV mùa Chay), các
lễ trọng và lễ kính.
Như vậy, trong mùa Vọng vẫn có thể độc tấu nhạc cụ
một cách hạn chế, nhưng trong mùa Chay thì tuyệt đối
cấm.
4. Vai trò của nhạc cụ gồm những
gì?
Nhạc cụ độc tấu hoặc phụ đệm cho tiếng hát làm
tăng thêm sự trang trọng và vẻ đẹp của Phụng vụ, đồng
thời giúp cho Cộng đoàn tham dự phụng vụ được sốt
sắng, thánh thiện và linh động hơn.
Tuy nhiên, khi nhạc cụ được trình tấu quá ồn ào, lấn
át tiếng hát và làm cho bản văn Phụng vụ trở nên khó
hiểu, thì việc sử dụng nhạc cụ một cách không xứng
hợp này đã làm mất đi vẻ đẹp của Phụng vụ và đã
phá vỡ bầu khí cầu nguyện của Cộng đoàn.
5. Có được phép sử dụng nhạc thu
âm trước để phụ đệm cho Ca đoàn hay Cộng đoàn không?
Tinh thần phụng vụ đòi buộc sự tham gia tích cực của
một con người trọn vẹn, cả thể xác lẫn tâm tư. Vì
thế, tiếng hát sống động của các tín hữu, cho dù chưa
được điêu luyện, vẫn luôn có giá trị trước mặt Chúa
hơn là những thứ máy móc tự động. Giáo Hội xưa nay
vẫn không cho phép sử dụng các nhạc cụ và các máy tự
động, như trong “Huấn thị về Thánh nhạc” ban hành ngày
03/09/1958, số 71, Thánh bộ Lễ nghi đã khuyến cáo:
“Các nhạc cụ và các máy tự động như đại phong cầm
tự động, máy ghi âm, máy thu thanh, máy quay đĩa hát và các
loại tương tự đều không được phép dùng trong các cử
hành Phụng vụ và các việc đạo đức, dù diễn ra ở
ngoài hay trong nhà thờ, kể cả việc sử dụng để truyền
thông những lễ nghi hay âm nhạc, hoặc chỉ để nâng đỡ
hay yểm trợ tiếng hát của Ca đoàn hoặc Cộng đoàn”
.
6. Có nên dùng tiết điệu để phụ
đệm cho các bài Thánh ca trong Phụng vụ không?
Không nên dùng tiết điệu để phụ đệm cho các bài hát
trong Phụng vụ.
Không nói đến vấn đề kỹ thuật vốn đòi buộc các ca
viên phải thực sự vững vàng về nhịp phách mới có
thể hát theo tiết điệu của nhạc cụ, việc sử dụng tiết
điệu để phụ đệm cho các bài Thánh ca làm cho tập
thể Ca đoàn dễ trở nên như một thứ máy móc, hát xướng
không có hồn, không có tình cảm, và như thế không biểu
hiện được tâm tình cầu nguyện, có khi còn gây thêm lo
ra, chia trí.
Ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô 2007
(có cập nhật và sửa đổi)
Đỗ Vy Hạ
|
|
|
|
|