NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
Sacrosanctum Concilium

CHƯƠNG VI

THÁNH NHẠC



112. Giá trị của thánh nhạc

Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể.

Thực vậy, không những Thánh Kinh (1) mà cả các Giáo Phụ và các Ðức Thánh Cha đã khen ngợi những bản thánh ca, nhất là các Ðức Thánh Cha trong những thời đại gần đây, tiên phong là Ðức Piô X, đã làm sáng tỏ rõ ràng hơn vai trò của Thánh Nhạc trong phụng tự.

Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết.

Vì thế, trong khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo Hội, cũng như nhằm mục đích của Thánh Nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu, Thánh Công Ðồng đã ấn định những điều sau đây.

113. Thánh nhạc trong phụng tự

Hoạt động phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.

Còn về ngôn ngữ được xử dụng, hãy theo qui tắc khoản 36: về Thánh Lễ, khoản 54; về các Bí Tích, khoản 63; về Kinh Nhật Tụng, khoản 101.

114. Kho tàng Thánh Nhạc

Phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng Thánh Nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là ở các nhà thờ chánh tòa. Về phần các Giám Mục và mục tử khác có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, hãy nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ nghi lễ nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động vào những phần dành riêng cho họ, theo qui tắc khoản 28 và 30.

115. Huấn luyện thánh nhạc

Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng Viện, các tập viện cũng như các học viện của các Dòng Tu nam nữ, và cả trong những học viện và học đường công giáo khác. Vì thế, để đảm nhiệm công việc đào tạo ấy, cần phải quan tâm đến việc huấn luyện những giáo sư có nhiệm vụ dạy Thánh Nhạc.

Ngoài ra, nếu tiện, rất nên thành lập những Viện Cao Ðẳng Thánh Nhạc.

Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện cho có đủ căn bản phụng vụ.

116. Bình ca và nhạc đa âm

Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma; vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vi chính yếu giữa những loại ca khác.

Không hẳn là loại trừ các loại Thánh Nhạc khác, nhất là loại đa âm, trong những khi cử hành các việc phụng tự, miễn là đáp ứng được tinh thần của hoạt động phụng vụ theo qui tắc khoản 30.

117. Sách hát bình ca

Phải hoàn thành việc ấn loát bản mẫu các sách hát bình ca; ngoài ra, đối với các sách đã được ấn hành sau cuộc canh tân của Thánh Piô X, cũng phải có một ấn bản được nghiên cứu cẩn thận hơn.

Cũng nên lo ấn hành một loại sách hát gồm những âm điệu đơn sơ hơn để dùng trong các nhà thờ nhỏ.

118. Thánh ca bình dân

Thánh ca bình dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ, theo những qui tắc và chỉ thị của chữ đỏ.

119. Nhạc dân tộc

Ở một vài miền, nhất là các xứ Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống âm nhạc riêng; nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ. Tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó một địa vị thích hợp, trong khi đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự, theo tinh thần khoản 39 và 40.

Do đó, trong khi huấn luyện âm nhạc cho các vị thừa sai, phải hết sức lo lắng để họ có thể phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng đó, trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.

120. Ðại phong cầm và các nhạc khí khác

Trong Giáo Hội La tinh, đại phong cầm phải hết sức quí trọng, vì là một nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho các nghi lễ, lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.

Còn các nhạc cụ khác, cũng được phép dùng vào việc phụng tự tùy theo phán đoán và phê chuẩn của Thẩm Quyền địa phương theo quy tắc khoản 22-2, 37 và 40, miễn là đã thích hợp hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu.

121. Sứ mạng các nhà sáng tác nhạc

Các nhạc sĩ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được kêu gọi phải trau dồi Thánh Nhạc và phát triển kho tàng thánh nhạc đó.

Họ hãy sáng tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu cũng có thể tham dự một cách linh động.

Còn lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.

Chú Thích

1. Xem Eph 5,19; Col 3,16.