NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
Sacrosanctum Concilium

CHƯƠNG V

NĂM PHỤNG VỤ



102. Ý nghĩa năm phụng vụ

Giáo Hội, Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành các công trình cứu chuộc của Ðấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm vào những ngày ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày gọi là ngày Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh; mỗi năm một lần Giáo Hội còn cử hành mầu nhiệm ấy hết sức trọng thể vào dịp lễ Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

Giáo Hội còn phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến.

Trong khi cử hành những Mầu Nhiệm Cứu Chuộc như thế, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại (1), ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc.

103. Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế với một tình yêu đặc biệt, Giáo Hội tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi.

104. Các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác

Ngoài ra, Giáo Hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây đang ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Bởi chưng, trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các Ngài: vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.

105. Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu

Sau cùng, theo luật lệ lưu truyền: cứ mỗi mùa trong năm, Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những việc lành hồn xác, bằng việc giảng dạy, lời cầu nguyện, việc sám hối và các việc bác ái.

Vì thế, Thánh Công Ðồng quyết ấn định những điều sau đây.

106. Chú trọng ngày chúa nhật

Theo Tông Truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã "dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động" (1P 1,3). Vì vậy, ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.

107. Canh tân năm phụng vụ

Phải tu chỉnh năm phụng vụ thế nào để sau khi duy trì hay phục hồi những tập tục và quy chế cổ truyền về các mùa thánh, theo những hoàn cảnh của thời đại chúng ta, vẫn giữ được tính cách ban đầu của những mùa ấy, hầu nuôi dưỡng đúng mức lòng đạo đức của các tín hữu, khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc trong đạo, nhất là mầu nhiệm phục sinh. Vả lại, nếu cần thích ứng với hoàn cảnh địa phương, thì phải theo quy tắc các khoản 39 và 40.

108. Phần Riêng mỗi Mùa

Trước hết, phải hướng tâm trí các tín hữu về những ngày lễ của Chúa, là những lễ quanh năm cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc. Vì thế, Phần Riêng mỗi Mùa phải có một chỗ thích hợp vượt trên lễ các Thánh, để trọn vẹn chu kỳ các mầu nhiệm cứu chuộc được kính nhớ đúng mức.

109. Mùa chay

Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó:

a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập.

b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu không những các hiệu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của việc sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân.

110. Việc thực hành sám hối

Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như hoàn cảnh các tín hữu. Việc thực hành sám hối đó phải được các Ðấng Bản Quyền cổ võ như đã nói ở khoản 22.

Tuy nhiên, việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.

111. Lễ các Thánh

Theo truyền thống, các Thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các di hài đích thực cũng như hình ảnh của các Ngài vẫn được sùng kính. Thực vậy, những lễ kính các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người và phô bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước.

Ðể những lễ kính các Thánh không lấn át các lễ kính nhớ chính những mầu nhiệm cứu chuộc, nhiều lễ các Thánh sẽ để cho từng Giáo Hội địa phương, hoặc cho mỗi Quốc Gia hay Dòng Tu cử hành. Chỉ phổ biến cho toàn thể Giáo Hội những lễ kính các Thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát.

Chú Thích

(1) Khi Phong Trào Phụng Vụ khởi phát, đã có nhiều người nói tới sự "có mặt" các mầu nhiệm này trong năm Phụng Vụ. Ðức Piô XII đã trình bày vấn đề rất cặn kẽ trong Thông điệp Mediator Dei, số 166, và Công Ðồng Vaticanô II nhắc lại giáo lý đó.