NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
Sacrosanctum Concilium

CHƯƠNG I

NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
ĐỂ CANH TÂN VÀ CỔ VÕ PHỤNG VỤ THÁNH



I. Bản tính và tầm quan trọng của Phụng vụ thánh trong đời sống Giáo Hội

5. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi

Thiên Chúa "muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). "Trước kia Ngài đã dùng các tiên tri mà phán bảo tổ phụ nhiều lần, nhiều cách" (Dth 1,1), và khi đã đến thời kỳ viên mãn, Ngài đã sai Con mình, Ngôi Lời nhập thể, được Thánh Thần xức dầu, để rao giảng Phúc Âm cho người nghèo, cứu chữa những người khổ tâm (8), như là "thầy thuốc của thể xác và tinh thần" (9), cũng là Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại (10). Vì thế, chính bản tính nhân loại của Người, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần rỗi chúng ta. Cho nên, nhờ Chúa Kitô "Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hòa với Ngài, và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách hoàn bị" (11).
Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó "Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống" (12). Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội (13).

6. Công cuộc cứu chuộc tiếp nối do Giáo Hội được thực hiện trong Phụng vụ

Vì vậy, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy, không những để trong khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo (14) các Ngài loan báo Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan (15) và sự chết, đồng thời dẫn đưa chúng ta vào nước Chúa Cha, nhưng còn để các Ngài thực thi công cuộc cứu chuộc mà các Ngài đã loan báo, nhờ Hiến Tế và các Bí Tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ. Như vậy, nhờ phép Rửa Tội, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại (16), được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, "do đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha" (Rm 8,15) và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm (17). Cũng thế, mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến (18). Do đó, chính trong ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian, "những người suy phục lời giảng" của Phêrô, "đều chịu phép Rửa Tội". Họ "kiên tâm theo lời giáo huấn của Tông Ðồ, thông công trong việc bẻ bánh và cầu nguyện... ngợi khen Thiên Chúa, lại được lòng toàn dân" (CvTđ 2,41-42; 47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh: bằng việc đọc "những lời chỉ về Người trong bộ Thánh Kinh" (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa "sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người" (19), đồng thời "cảm tạ Thiên Chúa về ân điển khôn tả của Ngài" (2Cor 9,15) trong Chúa Giêsu Kitô, "để ca tụng sự vinh hiển của Ngài" (Eph 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.

7. Sự hiện diện của Ðức Kitô trong Phụng vụ

Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì "như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục" (20), nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Kitô rửa (21a). Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: "Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).

Thực vậy, trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu.

Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng (21b) vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.

Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.

8. Phụng vụ trần gian và Phụng vụ trên trời

Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực (22); Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang (23).

9. Phụng vụ không phải là hoạt động duy nhất của Giáo Hội

Phụng Vụ Thánh không làm trọn mọi hoạt động của Giáo Hội. Vì, con người cần phải được mời gọi để tin và hoán cải trước khi có thể đến tham gia Phụng Vụ: "Làm sao họ kêu khấn được Ðấng họ không tin? Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?" (Rm 10,14-15).

Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những kẻ không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Ðấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối, hoán cải con đường của họ (24). Còn đối với các tín hữu, Giáo Hội phải luôn luôn rao giảng đức tin và lòng thống hối; giúp họ sẵn sàng đón nhận các Bí Tích, dạy họ giữ trọn những điều Chúa Kitô đã phán (25) thúc giục họ tham gia mọi công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ; những công cuộc này biểu lộ rằng: dầu các tín hữu không thuộc về thế gian nhưng lại là ánh sáng thế gian và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.

10. Phụng vụ là tột đỉnh và nguồn mạch đời sống Giáo Hội

Tuy nhiên, Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa. Ðáp lại, chính Phụng Vụ thúc giục các tín hữu đã được no thỏa "nhiệm tích phục sinh", phải trở nên "những người sống phối hợp trong tình yêu" (26). Phụng Vụ nguyện cầu "cho họ ăn ở xứng đáng và trung thành giữ nhiệm tích họ đã lĩnh nhận với lòng tin tưởng" (27). Việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ Ơn nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh.

11. Cần thiết chuẩn bị tâm linh mỗi người

Nhưng muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích (28). Vì vậy, các mục tử không phải chỉ chủ tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.

12. Phụng vụ và sự cầu nguyện cá nhân

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ bao trùm trong việc tham dự Phụng Vụ Thánh mà thôi. Bởi vì người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha (29), hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng (30) như lời vị Tông Ðồ đã dạy. Chính vị Tông Ðồ này còn dạy chúng ta hằng phải ôm ấp sự khổ chế của Chúa Giêsu được phô diễn trong xác thể hay chết của chúng ta (31). Vì vậy, trong Hy Lễ, chúng ta nguyện xin Chúa "khi chấp nhận của lễ linh thiêng được dâng lên", Chúa biến chính chúng ta trở nên "lễ vật vĩnh cửu" (32a) của Chúa.

13. Các việc đạo đức khơi nguồn từ Phụng vụ

Những việc đạo đức của dân Kitô giáo bao lâu còn được thích hợp với các lề luật và qui tắc của Giáo Hội thì còn được khích lệ rất nhiều, nhất là khi thi hành theo chỉ thị của Tông Tòa.

Những việc thánh thiện của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám Mục, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính thức phê chuẩn.

Nhưng phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với Phụng Vụ Thánh, để có thể được coi là phát xuất từ Phụng Vụ và để tiến dẫn dân chúng đến Phụng Vụ, vì tự bản chất, Phụng Vụ vượt xa các việc ấy.

II. Công cuộc huấn luyện Phụng vụ và tham dự linh động

14. Tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, "là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn" (1P 2,9; x. 2,4-5).

Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ.

Tuy nhiên, sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy. Vì vậy, rất cần phải chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, Thánh Công Ðồng đã ra lệnh thiết lập những điều sau đây.

15. Huấn luyện giáo sư Phụng vụ

Các giáo sư được ủy nhiệm giảng huấn môn Phụng Vụ Thánh trong các chủng viện, các học viện dòng tu, và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận vụ của họ tại các trường chuyên môn đặc biệt.

16. Việc giảng dạy Phụng vụ

Trong các chủng viện và các học viện dòng tu, môn Phụng Vụ Thánh phải được đặt vào hàng các môn cần thiết và quan trọng; còn trong các phân khoa thần học, phải được đặt vào hàng các môn chính. Hơn nữa, môn Phụng Vụ phải được giảng huấn dưới khía cạnh vừa thần học và lịch sử, vừa tu đức, mục vụ và luật pháp. Ngoài ra giáo sư của các môn học khác, nhất là tín lý thần học, Thánh Kinh, thần học tu đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, ngõ hầu làm sáng tỏ rõ ràng mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng Vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo linh mục.

17. Huấn luyện Phụng vụ cho chủng sinh

Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được huấn luyện về Phụng Vụ cho đời sống thiêng liêng. Muốn được như vậy, họ cần phải được dẫn dắt thích đáng để có thể lĩnh hội và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cả trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cũng như thực hành các việc đạo đức khác đã được thấm nhiễm tinh thần Phụng Vụ Thánh; cũng thế, họ phải tập quen tuân giữ các lề luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.

18. Trợ giúp các linh mục có trách nhiệm mục vụ

Các linh mục triều hay dòng đã làm việc trong vườn nho Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn luôn lĩnh hội đầy đủ hơn những gì họ thi hành trong các công việc thánh, ngõ hầu sống đời sống phụng vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho họ.

19. Huấn luyện Phụng vụ cho các tín hữu

Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện phụng vụ cho các tín hữu và cho họ tích cực tham dự bên trong lẫn bên ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hóa tôn giáo của họ. Nhờ vậy các mục tử sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðồng thời, trong công tác đó, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên mình bằng cả lời nói lẫn gương lành.

20. Các phương tiện truyền thông và Phụng vụ

Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành Thánh Lễ, phải được thận trọng thực hiện cách xứng đáng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người đủ khả năng do các Giám Mục ủy thác.

III. Việc canh tân Phụng vụ thánh

21. Canh tân toàn diện Phụng vụ

Giáo Hội hiền mẫu, vì muốn cho dân Kitô giáo thâu đạt được dồi dào những ân sủng trong Phụng Vụ Thánh cách chắc chắn hơn, nên ước mong nhiệt thành đảm trách việc canh tân toàn diện Phụng Vụ. Bởi vì, Phụng Vụ gồm phần bất biến, do Thiên Chúa thiết lập, và những phần có thể thay đổi. Phần này có thể hoặc cũng phải sửa đổi theo dòng thời gian, nếu tình cờ có len lỏi vào những yếu tố rất ít đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng Vụ.

Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn, và các nghi lễ làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để dân Kitô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng.

Vì vậy, Thánh Công Ðồng ấn định những qui tắc tổng quát sau đây.

A. Các qui tắc tổng quát

22. Việc điều hành Phụng vụ thuộc thẩm quyền hàng Giáo Phẩm

1. Việc điều hành Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục.

2. Chiếu theo quyền hạn đắc thượng của luật pháp, việc điều hành phụng vụ, trong các giới hạn đã định, cũng tùy thuộc các loại hội đồng Giám Mục khác nhau, đã được thiết định hợp pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương.

3.Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ. (32b)

23. Truyền thống và tiến bộ

Ðể duy trì truyền thống lành mạnh nhưng đồng thời vẫn mở rộng đường cho những tiến bộ chính đáng, khi phải tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng Vụ phải luôn luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa còn phải lưu tâm đến những luật lệ tổng quát về cơ cấu và tinh thần Phụng Vụ cũng như kinh nghiệm xuất phát do việc canh tân Phụng Vụ mới đây và do các đặc miễn đã ban cho nhiều nơi. Sau hết, chỉ nên thực hiện những đổi mới nhất thời khi lợi ích thiết thực và chắc chắn của Giáo Hội đòi hỏi và sau khi đã cân nhắc thấy rằng những hình thái mới, một cách nào đó, phải được triển nở có hệ thống từ những hình thái sẵn có.

Ngoài ra, còn cần phải đề phòng hết sức có thể để tránh những dị biệt đáng kể của các nghi lễ giữa các miền lân cận.

24. Thánh kinh và Phụng vụ

Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa. Vì vậy, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, đã được truyền thống khả kính của các nghi lễ Ðông phương và Tây phương minh chứng.

25. Tu chỉnh sách Phụng vụ

Cần phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám Mục thuộc moị miền khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách phụng vụ càng sớm càng hay.

B. Các qui tắc riêng biệt do bản chất Phụng vụ xét về phương diện hoạt động phẩm trật và cộng đoàn

26. Bí tích hiệp nhất

Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là "bí tích hiệp nhất", nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục (33).

Vì vậy, các hoạt động đó thuộc về Thân Thể phổ quát của Giáo Hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo Hội; tuy nhiên còn có liên quan khác nhau với từng chi thể riêng biệt của Thân Thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực.

27. Ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng

Khi các nghi lễ, tùy theo bản chất riêng tư của chúng, được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân, nên ghi nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư.

Ðiều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, cho dầu bản tính công cộng và xã hội của mỗi Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì; điều này còn có giá trị cho việc ban phát các Bí Tích.

28. Cử hành Phụng vụ nghiêm chỉnh

Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng vụ, mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ.

29. Chu toàn phận sự Phụng vụ đích thực

Cả những người giúp, đọc dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn phận sự phụng vụ đích thực. Vì vậy, họ phải thi hành phận vụ mình với lòng đạo đức chân thành và trật tự, phù hợp với thừa tác vụ trọng đại ấy, và là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ.

Vì vậy, tùy theo năng cách mỗi người, họ phải nhiệt tâm thấm nhuần tinh thần Phụng Vụ và học hỏi để hoàn tất các phần vụ mình theo đúng nghi thức và có trật tự.

30. Giáo dân tham dự linh động

Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc của nó.

31. Vai trò của các tín hữu

Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải thận trọng lưu tâm để những qui tắc chữ đỏ cũng tiên liệu cả vai trò của các tín hữu.

32. Phụng vụ và giai cấp xã hội

Trong Phụng Vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ phụng vụ và Chức Thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo qui tắc các luật phụng vụ, sẽ không có một thiên vị nào đối với các tư nhân hay địa vị, hoặc trong các nghi lễ hoặc trong các việc long trọng bên ngoài.

C. Các qui tắc do bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng vụ

33. Trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài

Cho dầu Phụng Vụ Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành (34a). Thực vậy, trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Chúa Kitô cũng rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.

Hơn nữa, linh mục, là hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. Sau hết, những biểu hiệu hữu hình được dùng trong Phụng Vụ Thánh để diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa là những biểu hiệu đã được Chúa Kitô hoặc Giáo Hội tuyển chọn. Do đó, không những chỉ đọc "những gì đã chép cốt để dạy ta" (Rm 15,4) mà cả việc Giáo Hội cầu nguyện, ca hát, hay hành động, đều nuôi dưỡng đức tin của những người tham dự, nâng tâm trí họ lên cùng Chúa, để họ sáng suốt tuân phục Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn.

Vì vậy, trong khi canh tân Phụng Vụ, cần phải tuân giữ những qui tắc tổng quát sau đây.

34. Hòa hợp các nghi lễ

Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích.

35. Thánh Kinh, bài giảng và bài giáo lý về Phụng vụ

Ðể việc liên kết mật thiết giữa nghi lễ và ngôn ngữ được phát lộ rõ ràng trong Phụng Vụ:

1) Trong việc cử hành thánh, cần phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn.

2) Vì bài giảng là thuộc phần hoạt động phụng vụ, nên thời gian thích hợp để giảng giải, theo như nghi lễ cho phép, phải được ghi trong các qui tắc chữ đỏ. Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải được múc lấy từ nguồn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vì như là việc rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính mầu nhiệm này hằng hiện diện thiết thực và tác động trong chúng ta, nhất là trong các cử hành phụng vụ.

3) Còn phải dùng mọi cách để các bài giáo lý trực tiếp nói về Phụng Vụ hơn. Và trong chính các nghi lễ, nếu cần, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền, phải dự liệu để nói ít lời giáo huấn vắn tắt, nhưng chỉ nói vào những lúc thuận tiện nhất, bằng những lời đã ấn định hay những lời tương tự.

4) Phải cổ võ việc suy tôn lời Chúa vào những ngày áp lễ cả, cũng như trong vài ngày lễ Mùa Vọng, Mùa Chay, những ngày Chúa nhật và những ngày lễ trọng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc vị phó tế hoặc ai khác được Giám Mục ủy nhiệm sẽ điều khiển việc suy tôn lời Chúa.

36. Việc dùng Latinh và việc dùng tiếng bản quốc

1. Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ La tinh.

2. Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ hoặc trong việc Cử Hành các Bí Tích, hoặc trong những phần khác của Phụng Vụ; cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn, đặc biệt trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát, tùy theo những qui tắc đã được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây.

3. Khi đã tuân giữ những qui tắc này thì việc ấn định xử dụng và cách dùng tiếng bản quốc thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2; nếu gặp trường hợp đó, phải hội ý với các Giám Mục trong những miền lân cận cùng một thứ tiếng. Mọi quyết nghị cần phải được Tông Tòa chấp thuận hay chuẩn y.

4. Việc phiên dịch bản văn La tinh ra tiếng bản quốc để dùng trong Phụng Vụ phải được Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y. (34b).

D. Các qui tắc để thích nghi với tâm tính và truyền thống của dân tộc

37. Giáo Hội tôn trọng những vẻ đẹp tinh thần của những dân nước khác nhau

Ngay cả trong Phụng Vụ, Giáo Hội không muốn ấn định một hình thái cứng rắn, thẳng mạch nào, trong những điều không liên quan đến đức tin và thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Hơn nữa, Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân nước khác nhau. Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng Vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.

38. Những khác biệt trong các xứ truyền giáo

Dầu vẫn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi lễ Roma, những biến dị chính đáng và những thích nghi với các cộng đoàn, các miền, các dân tộc khác, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, đều vẫn được chấp nhận, cả khi tu chỉnh các sách Phụng Vụ. Nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và việc thiết lập các qui tắc chữ đỏ.

39. Thẩm quyền giáo hội địa phương

Giữa những giới hạn được ấn định trong các bản mẫu của các sách Phụng Vụ, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, có quyền xác định những việc thích nghi, đặc biệt việc cử hành các Bí Tích, Á Bí Tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, phải theo đúng những qui tắc căn bản trong Hiến Chế này.

40. Phương cách thích nghi Phụng vụ

Nhưng trong nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải cấp bách thích nghi Phụng Vụ sâu xa hơn, và do đó gây nên nhiều khó khăn hơn, nên:

1) Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, phải thận trọng và khôn ngoan cứu xét trong công việc này, những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể được chấp nhận thích đáng vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Những thích nghi được thẩm định là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình lên Tông Tòa để được kết nạp và chuẩn y.

2) Ðể việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tông Tòa sẽ ban phép cho Giáo Hội địa phương để, nếu gặp trường hợp đó, cho phép và điều khiển các cuộc thí nghiệm sơ khởi cần thiết, trong vài cộng đoàn hợp với mục tiêu và trong một thời gian hạn định.

3) Vì các luật lệ phụng vụ thường mang nhiều khó khăn đặc biệt cho việc thích nghi, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, nên để thiết lập các luật lệ này, cần phải có mặt các nhà chuyên môn trong lãnh vực đó.

IV. Việc cổ võ đời sống Phụng vụ trong Giáo phận và trong Giáo xứ

41. Hiệp thông với Giám mục giáo phận

Giám Mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên Ngài; có thể nói rằng sự sống nơi các tín hữu của Ngài trong Chúa Kitô cũng phát xuất tự Ngài và lệ thuộc Ngài.

Vì vậy, mọi người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám Mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong cùng một Lễ Tạ Ơn, trong một lời nguyện duy nhất, ở đó Giám Mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh Ngài (35).

42. Ðời sống Phụng vụ của giáo xứ

Vì chính Giám Mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội Ngài, nên cần phải thiết lập các cộng đoàn tín hữu. Trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Ðức Giám Mục: bởi vì một cách nào đó, các giáo xứ phản ảnh Giáo Hội hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất.

Vì thế phải cổ võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ giữa đời sống ấy với Giám Mục trong tâm trí cũng như trong hành vi của các tín hữu và của hàng giáo sĩ; còn phải ra sức làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật.

V. Việc phát huy hoạt động về mục vụ Phụng vụ

43. Canh tân Phụng vụ thánh

Lòng nhiệt thành cổ xúy và canh tân Phụng Vụ Thánh đáng được xem như một dấu chỉ của các ý định quan phòng của Thiên Chúa trên thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; sự kiện này còn là một đặc điểm nổi bật của đời sống Giáo Hội, cũng như của mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta.

Vì thế, để cổ võ hoạt động về mục vụ phụng vụ tiến xa hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Ðồng quyết định:

44. Ủy ban Phụng vụ toàn quốc

Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, nên thiết lập một ủy ban phụng vụ với sự trợ lực chuyên môn của các chuyên gia về khoa phụng vụ, Âm Nhạc, Nghệ Thuật Thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, ủy ban này phải được một viện Mục Vụ Phụng Vụ nào đó giúp đỡ. Viện này gồm nhiều thành phần, và nếu cần kể cả giáo dân xuất sắc trong lãnh vực đó. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về mục vụ phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải phát huy các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình những việc thích nghi lên Tông Tòa.

45. Ủy ban Phụng vụ giáo phận

Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy Ban Phụng Vụ Thánh để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới quyền điều khiển của Giám Mục.

Hơn nữa, đôi khi cũng là việc chính đáng nếu nhiều giáo phận phối hợp với nhau thiết lập một Ủy Ban duy nhất để cùng hội ý phát triển Phụng Vụ.

46. Các ủy ban khác

Ngoài Ủy Ban Phụng Vụ Thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các Ủy Ban Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh.

Ba Ủy Ban này cần phải hiệp lực với nhau làm việc, và nếu liên kết thành một Ủy Ban duy nhất cũng là điều thích hợp.


Chú thích

8. Xem Is 61,1; Lc 4,18.

9. T. Ignatiô thành Antiokia, Ad Ephesios, VII, 2 : x.b. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, trg 218.

10. Xem 1Tm 2,5.

11. Sacramentarium Veronense (Leonianum): x.b. C. Mohlberg, Roma, 1956, số 1265, trg 162.

12. Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh trong Sách Lễ Roma.

13. Xem T. Augustinô, Enarr. in Ps CXXXVIII, 2 : Corpus Christianorum, XL, Turnholti, 1956, trg 1991 và lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách Lễ Roma, trước khi cải tổ Tuần Thánh.

14. Xem Mc 16,15.

15. Xem CvTđ 26,18.

16. Xem Rm 6,4; Eph 2,6; Col 3,1; 2Tm 2,11.

17. Xem Gio 4,23.

18. Xem 1Cor 11,26.

19. CÐ Trentô, khóa 13, 11-10-1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, x.b. Soc. Goerresiana, bộ VII. Actorum phần IV, Friburgi Brisgoviae 1961, trg 202.

20. CÐ Trentô, khóa 22, 17-9-1562 , giáo thuyết De SS. Missae Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, x.b. đã trích, bộ VIII. Actorum phần V, Friburgi Brisgoviae 1919, trg 960.

21a. Xem T. Augustinô, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số 7: PL 35, 1428.

21b. Các động tác Phụng Vụ đều không phải là động tác riêng thuộc về một cá nhân hay một nhóm người nào (phụng tự riêng tư) nhưng là động tác của toàn thể Giáo Hội. Nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể. Ðầu và tất cả chi thể đều cầu nguyện, đều hoạt động qua cử chỉ và việc làm của thừa tác viên.

Từ ngữ "công cộng" trong Phụng Vụ hàm chứa ý nghĩa hoàn hảo, nó chỉ việc phụng tự của toàn thể một xã hội (ở đây tức là Giáo Hội) với tư cách là một xã hội.

Ví dụ: việc lần chuỗi có thể được đọc chung nhưng thực ra đó không phải là lời cầu nguyện phụng vụ, mà vẫn là một động tác phụng tự "riêng tư". Nói cách khác đó là việc cầu nguyện của một cá nhân hay của một nhóm người.

Trái lại Thánh Lễ, các Bí Tích, Á Bí Tích và Kinh Nhật Tụng, dù chỉ được thừa tác viên cử hành một mình hay đọc riêng, luôn luôn vẫn là động tác phụng tự "công cộng", là động tác của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người mà thừa tác viên cử hành là đại diện.

Do đó sự công hiệu của lời nguyện phụng vụ không do huân công của thừa tác viên nhưng do chính những huân công vô bờ bến của Chúa Kitô và Giáo Hội.

22. Xem Kh 21,2 ; Col 3,1 ; Dth 8,2.

23. Xem Ph 3,20 ; Col 3,4.

24. Xem Gio 17,3 ; Lc 24,27 ; CvTđ 2,38.

25. Xem Mt 28,20.

26. Kinh tạ lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh trong Sách Lễ Roma.

27. n.v.t. Kinh cầu nguyện thứ ba tuần Phục Sinh.

28. Xem 2Cor 6,1.

29. Xem Mt 6,6.

30. Xem 1Th 5,17.

31. Xem 2Cor 4,10-11.

32a. Kinh dâng lễ thứ hai tuần Hiện Xuống, trong Sách Lễ Roma.

32b. Phụng Vụ là công cuộc của Chúa Kitô và Giáo Hội phổ quát, chứ không thuộc về một Giáo Hội địa phương hay đoàn thể đặc biệt nào (x. số 7). Do đó, tất cả mọi sự liên quan tới việc điều hành Phụng Vụ chỉ lệ thuộc thẩm quyền tối cao của Giáo Hội mà thôi. Các Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục nói chung chỉ có thẩm quyền do Giáo Hội thừa ủy.

33. T. Cyprianô, De Cath. Eccl. Unitate, 7 : x.b. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 1 Vienna 1868, trg 215-216. Xem Ep. 66, số 8, 3: nhà xuất bản đã trích, bộ III, 2 Vienna 1871, trg 732-733.

34a. Xem CÐ Trentô, khóa XXII, 17-9-1562, Giáo thuyết De SS. Missae Sacrif., ch. 8: Concilium Tridentinum, nhà xuất bản đã trích, bộ VIII, trg 961.

34b. Vấn đề dùng tiếng bản xứ trong Phụng Vụ đã là một đề tài thảo luận sôi nổi trong Công Ðồng Trentô. Công Ðồng bấy giờ cũng nhìn thấy rõ ràng tầm quan trọng của nó (x. DS 1749 và 1759). Tuy nhiên có Nghị Phụ thấy chưa phải là lúc "thuận tiện" để thay đổi ngôn ngữ Phụng Vụ. Lập trường này nhằm chống lại phái Tin Lành chủ trương phải dùng tiếng bản xứ vì các Bí Tích chẳng qua là phương tiện để khơi dậy hoặc để tuyên xưng đức tin (DS 1749).

Vì lý do trên, La ngữ vẫn được xử dụng trong các nghi lễ Roma cho tới ngày nay. Ðiều này được coi như một dấu hiệu hiệp nhất rõ ràng và cụ thể, và là một bảo vệ hữu hiệu chống lại mọi sai lạc của nền giáo lý tinh tuyền (Mediator Dei số 58).

Dầu sao Công Ðồng Trentô và Thông Ðiệp Mediator Dei cũng nhận sự kiện La ngữ ngăn trở giáo dân tham dự chủ động và tích cực vào các nghi lễ Phụng Vụ, nhất là để hiểu những bài đọc và những nghi thức hàm chứa nhiều giáo huấn cho giáo dân.

Vì vậy Công Ðồng Vaticanô II đã giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn và nêu ra những qui tắc thiết thực cho việc xử dụng tiếng bản xứ (x. số 54 và 63).

35. Xem T. Ignatiô Antiokia, Ad Magn. 7; Ad Philm. 4: Ad Smyrn. 8 : x.b. F.X. Funk, đã trích dẫn, I, trg 236, 266, 281.