NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
Sacrosanctum Concilium

LỜI MỞ ĐẦU



1. Lời Mở Ðầu

Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô, và kiện cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, Thánh Công Ðồng thấy có bổn phận phải lo canh tân và cổ xúy Phụng Vụ.

2. Vai trò của Phụng Vụ trong mầu nhiệm Giáo Hội

Thật vậy, nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà "công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (1). Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại cũng qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về việc chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm (2). Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần (3) để đạt tới mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô (4). Nhờ đó, Phụng Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước (5) ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một (6) cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên (7).

3. Hiến chế về Phụng Vụ Thánh và các Nghi Lễ khác

Vì vậy để cổ xúy và canh tân Phụng Vụ, Thánh Công Ðồng thấy cần nhắc lại những nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực hành.
Trong những nguyên tắc và tiêu chuẩn này, có một số không những có thể và cần phải áp dụng cho Nghi Lễ Roma mà cho hết mọi Nghi Lễ khác, mặc dầu những tiêu chuẩn thực hành sau này chỉ phải hiểu là có liên quan tới Nghi Lễ Roma thôi, ngoại trừ những gì tự bản chất là có liên hệ đến những Nghi Lễ khác.

4. Tôn trọng tất cả các Nghi Lễ được chính thức công nhận

Sau hết, vẫn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những Nghi Lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách. Thánh Công Ðồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi Lễ ấy phải được cẩn thận tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần của truyền thống lành mạnh và được bổ sung một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.


Chú thích

1. Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống.
2. Xem Dth 13,14.
3. Xem Eph 2,21-22.
4. Xem Eph 4,13.
5. Xem Is 11,12.
6. Xem Gio 11,52.
7. Xem Gio 10,16.