NAVIGATION
HOME
PHỤNG VỤ
Hiến chế về Phụng vụ thánh (1963)
THÁNH NHẠC
Thông điệp "Kỷ luật về Thánh nhạc" (1955)
Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ (1958)
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (1967)
Những tham khảo về Thánh nhạc
CHIA SẺ
Ca đoàn, một nhân tố sống động
Về Nhạc Vào đời
Về chuyện dài Bộ Lễ
Cẩm nang Ca Trưởng
Kinh Vinh Danh của Bộ Lễ Seraphim I
HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH
Sacrosanctum Concilium

LỜI GIỚI THIỆU

của Nhóm dịch thuật Giáo Hoàng Học Viện Piô X



Các mầu nhiệm Phụng Vụ là "chóp đỉnh" sinh hoạt của Giáo Hội đồng thời cũng là nguồn mạch các nhân đức. Dầu Giáo Hội luôn luôn sống mật thiết với các mầu nhiệm Phụng Vụ, nhưng trong lịch sử, trước Vaticanô II chưa có Công Ðồng nào lại dành cả một Hiến Chế để bàn tới Phụng Vụ với một thời gian khá lâu để chuẩn bị, thảo luận và biểu quyết.

Một vài Công Ðồng cũng đã đặt vấn đề nhưng chỉ chú trọng đặc biệt tới ít nhiều nguyên tắc hoặc lên án những sai lầm tín lý.

Thực là may mắn, một Phong Trào Phụng Vụ đã nảy sinh trong thời chúng ta. Ðây là "một trong những hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho kỷ nguyên này!" (1). Nhờ đó, người ta đã bắt đầu suy luận về Phụng Vụ một cách sâu xa và chín chắn, mang tính chất thần học và mục vụ. Và vì vậy, Dân Chúa ngày một ý thức về vai trò quan trọng của Phụng Vụ trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội.

Hiến Chế về "Phụng Vụ Thánh" của Công Ðồng Vaticanô II hướng dẫn phong trào này đến chỗ tuyệt đỉnh và mở ra một kỷ nguyên mới cho đời sống cầu nguyện của Giáo Hội.

Hoàn cảnh lịch sử

Trước Công Ðồng Tridentinô (kết thúc vào năm 1563) nền Phụng Vụ theo nghi thức Rôma đã bị coi là quá cổ kính. Phụng Vụ được phát triển và thay đổi nhưng chỉ phát triển ở những yếu tố bên ngoài theo sáng kiến nhân loại bằng cách thêm những cử điệu và nghi thức trang trọng. Các nghi thức này chắc chắn chỉ thích hợp với thời đại còn nhiều người chưa biết đọc biết viết và cho một số ít người trí thức hiểu được tiếng La tinh, một ngôn ngữ hầu như là chính thức của một xã hội chịu quá nhiều ảnh hưởng của giáo sĩ và Giáo Hội.

Thế rồi, thế giới ngày một biến đổi với việc phát minh ngành báo chí, với thuyết nhân bản, với những trào lưu văn hóa, với văn chương lãng mạn (do đó, tiếng Latinh suy yếu dần dần), với xã hội ngày một bị trần tục hóa v.v... Theo đà tiến hóa này, tâm thức con người cũng thay đổi sâu xa về quan niệm đối với Giáo Hội và việc phụng tự. Do đó Phụng Vụ trở nên một thứ kinh nguyện ngày càng xa lạ và bí nhiệm đối với dân chúng. Họ tham dự với lòng tin tưởng nhưng thụ động và âm thầm chẳng khác gì chứng kiến một động tác riêng của hàng giáo sĩ. Trong khi đó, họ chỉ nuôi dưỡng lòng đạo bằng cách gia tăng nhiều việc đạo đức cá nhân.

Công Ðồng Tridentinô cũng nhìn thấy rõ sự kiện này (2). Tuy nhiên Công Ðồng chỉ chú trọng bảo vệ giá trị một vài chân lý của các bí tích bị phái Tin Lành đem ra mổ xẻ: như sự công hiệu của bí tích, hiến tế tạ ơn, sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác... Với chủ đích chống lại sự canh tân của Tin Lành, Công Ðồng phải dừng lại ở lập trường bảo thủ với những nguyên tắc khắt khe. Thái độ này đương nhiên hạn chế "việc cập nhật hóa" Phụng Vụ.

Từ khi cải tổ sách Phụng Vụ theo huấn thị Công Ðồng Triđentinô người ta nói rằng Phụng Vụ Rôma có tính cách bất động và cố định vì những qui luật dường như bất di bất dịch. Ngôn ngữ dùng ở đó là ngôn ngữ chết và được coi như không thể thay thế được nữa. Các nghi thức cổ truyền này phải được duy trì và cử hành đúng như đã ghi chú tỉ mỉ trong sách chữ đỏ, cho dù nhiều người không hiểu nguồn gốc và dấu hiệu tượng trưng bí nhiệm của chúng.

Các qui tắc Phụng Vụ này áp dụng cho mọi nơi, cả các nơi truyền giáo nữa (vì sau Công Ðồng Triđentinô là thời kỳ hưng thịnh của công cuộc tryền giáo nên có nhiều xứ đạo mới được thành lập). Khắp mọi nơi đều áp dụng như nhau: cùng những qui tắc tỉ mỉ bất di bất dịch, cùng một ngôn ngữ, một tâm tình tây phương như vậy. Giáo Hội không để ý tới tâm tình, thói quen và phong tục tôn giáo nơi các dân tộc được chiếu giãi ánh sáng Phúc Âm.

Tại Á Châu, một vài đề nghị đã được đem ra mổ xẻ để giải quyết vấn đề thích nghi Phụng Vụ trong các xứ truyền giáo. Việc thảo luận đưa tới những cuộc bút chiến sôi động nẩy lửa chung quanh các nghi thức (chẳng hạn nghi thức Trung Hoa). Kết cục, vấn đề không đi tới thành quả nào cả.

Mãi tới cuối thế kỷ vừa qua, ý hướng cải tiến do Chúa Quan Phòng linh ứng mới xuất hiện trong Giáo Hội và đã đem lại kết quả tốt đẹp cho nền Phụng Vụ. Chính ý hướng này đã dọn đường cho việc "cập nhật hóa" của Công Ðồng Vaticanô II.

Phong Trào Phụng Vụ

Những người tiên phong của phong trào cải tiến Phụng Vụ cuối thế kỷ vừa qua chính là các tu sĩ dòng Benedictô Solesmes, Beuron, Maria Laach v.v... Công lao của họ được Ðức Giáo Hoàng Piô XII ghi nhận trong Thông Ðiệp Mediator Dei (số 4).

Tuy nhiên người tiên phong đích thực của phong trào này chính là Thánh Giáo Hoàng Piô X vị được mệnh danh là Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể. Trong Tự Sắc "Tra le sollicitudini", ngày 22-11-1903, Ngài mong muốn giáo hữu tham gia tích cực vào các lễ nghi Phụng Vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần Kitô hữu (số 3).

Cố gắng đầu tiên của phong trào này là tìm hiểu và đào sâu chính bản chất nội tại của Phụng Vụ. Những suy tư này mang đặc tính lịch sử, thần học và mục vụ.

Phong trào đã khơi lại nét phong phú chứa đựng trong các nghi thức cũ, đồng thời đem ra ánh sáng những nỗ lực liên lỉ của Giáo Hội qua các thời đại trong việc thích ứng những qui tắc nòng cốt Phụng Vụ cho mọi thời đại và cho mọi dân tộc.

Từ triều đại Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến triều đại Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Giáo Hội không ngừng tiếp tục việc cải tiến. Lúc ban đầu, việc cải tiến này có vẻ dò dẫm và dè dặt rồi mạnh bạo dần theo đà tiến của việc tra cứu học hỏi và hoàn cảnh thuận lợi để phổ biến.

Người có công lớn lao nhất là Ðức Giáo Hoàng Piô XII. Với Thông Ðiệp Mediator Dei (1947), Ngài để lại cho Giáo Hội tài liệu giáo huấn có giá trị đầu tiên về Phụng Vụ. Thông điệp Mediator Dei cho đến nay vẫn là một trong những nguồn mạch của Công Ðồng Vaticanô II đã thâu nhận và trích dẫn dồi dào từ kho tàng này; đôi khi Công Ðồng còn đồng hóa các tư tưởng, các lời nói của Thông điệp này như là của mình và đã không sử dụng tới dấu hiệu để phân biệt hay ghi xuất xứ. Hiến Chế chỉ thêm vào đó các yếu tố Thánh Kinh, cộng đoàn và mục vụ cho thích hợp với thời đại và tinh thần Công Ðồng (3).

Lược trình Hiến Chế

Lược đồ của Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh được một Ủy Ban tiền Công Ðồng soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Ðức Hồng Y Gaetano Cicognani. Sau khi Ngài từ trần, lược đồ được chuyển sang Ðức Hồng Y Arcadio Larraona (4). "Ðây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở Công Ðồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội" (5).

Ngày 14-11-1962 , trong một phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận trên nguyên tắc. Kết quả có 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các chuyên viên Công Ðồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh. Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963.

Ngày 4-12-1963 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, trước kia khi còn là Hồng Y, đã tích cực ủng hộ lược đồ, bây giờ long trọng công bố Hiến Chế với tư cách thủ lãnh của Giáo Hội.

Nội dung giáo lý

Hiến Chế được chia thành 7 chương hàm chứa nhiều nguyên tắc thần học và những tiêu chuẩn hướng dẫn việc canh tân và phát triển hữu hiệu nền Phụng Vụ.

1. Trước hết Chương I phác họa nền tảng thần học của Phụng Vụ.

Phụng Vụ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô (số 5). Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo Hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế tạ ơn và các bí tích (số 6).

Chính Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc.

Do đó, những động tác Phụng Vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu (số 7).

Ðồng thời, Phụng Vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng Vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những lữ hành (số 8).

Như thế, Phụng Vụ là "chóp đỉnh" các sinh hoạt Giáo Hội (số 10) tuy không phải là sinh hoạt độc nhất của Giáo Hội. Thực vậy, sứ mệnh tiên quyết của Giáo Hội là mời gọi nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm (số 9) và chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức (như cầu nguyện riêng, nguyện ngắm, việc sùng kính, sám hối v.v...) (số 11).

Sau phần dẫn nhập, Công Ðồng bước sang những chỉ dẫn tổng quát cho việc cải tiến Phụng Vụ.

Ðể tín hữu xác tín đầy đủ và tham gia trọn vẹn các nghi lễ một cách ý thức và chủ động, trước hết phải huấn luyện các chủ chăn (số 14-18), rồi đến lượt các ngài sẽ huấn luyện lại cho tín hữu (số 19).

Ngoài ra, còn phải tiếp tục cố gắng để cải tiến cách tốt đẹp toàn bộ Phụng Vụ theo những qui tắc sau đây (số 21):

A. Qui tắc tổng quát liên quan trực tiếp tới những vị điều hành Phụng Vụ trong Giáo Hội (số 22-25).

B. Qui tắc dựa trên tính cộng đoàn của Phụng Vụ (số 26-32).

C. Qui tắc dựa trên bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ (số 33-36). Chẳng hạn đề cập tới ngôn ngữ được sử dụng trong các nghi lễ (số 35).

D. Qui tắc thích nghi Phụng Vụ với tâm tính và hoàn cảnh dân tộc, địa phương (số 37-40).

Cuối cùng Hiến Chế phân tích đời sống phụng vụ trong phạm vi các giáo phận (số 41, 45-46), giáo xứ (42-43) và quốc gia (44).

2. Chương II là những chỉ dẫn để cải tiến các nghi thức trong Thánh Lễ. Một vài chi tiết đặc biệt và mới mẽ đáng kể như: lời nguyện giáo dân (số 53), tiếng bản xứ (số 54), rước lễ hai hình (số 55), lễ đồng tế (số 57).

3. Chương III đề cập tới các Bí Tích khác và các Á Bí Tích. Với những lời diễn nghĩa thần học giá trị (số 59-61).

4. Chương IV bàn đặc biệt về Kinh Nhật Tụng, một phần vụ quan trọng khác để thi hành sứ mệnh tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Ðó là việc dâng lên Thiên Chúa "bài ca chúc tụng" và lời cầu khẩn cho thế gian được ơn cứ rỗi (số 83).

5. Chương V của Hiến Chế trình bày về Năm Phụng Vụ: sau phần nhập đề thần học sâu xa (số 102-105), Công Ðồng nêu ra một số qui tắc nhằm nâng cao giá trị của ngày Chúa Nhật (106), duyệt lại chu kỳ phụng vụ với ý hướng nhấn mạnh đặc biệt mầu nhiệm Phục Sinh (107-108), Mùa Chay (109-110) và các ngày lễ mừng các Thánh (111).

6. Chương VIVII dành cho Thánh nhạcThánh nghệ, là một rong những phần nòng cốt của Phụng Vụ. Số 119 đặc biệt nói về việc áp dụng thánh nhạc trong các xứ truyền giáo.

Phần Phụ Thêm: Tuyên ngôn về việc tu chính niên lịchbr>
Trong phần phụ thêm của Hiến Chế, các Nghị Phụ muốn xác định thái độ về việc sửa lại niên lịch dân sự cho chính xác (6).

Từ hơn một thế kỷ nay, trong phạm vi khoa học, thương mại và chính trị, nhiều người đã nghiên cứu việc tu chỉnh niên lịch dân sự. Ðã hai lần, Tòa Thánh được hỏi ý kiến về vấn đề này, nhưng Ðức Lêô XIII, năm 1897, Ðức Piô XI, năm 1921, đều trả lời rằng: để giải quyết một vấn đề quá tế nhị như vậy có lẽ phải cần tới thầm quyền của Công Ðồng chung (7).

Trong khi soạn thảo lược đồ Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, một vài Nghị Phụ lên tiếng muốn rằng Công Ðồng nên đi bước đầu trong việc tu chính một niên lịch chính xác và cố định. Nhưng vấn đề chưa ngã ngủ hoàn toàn, nên các Nghị Phụ dành quyền quyết định cho Tòa Thánh, để tự do hành động, nhất là đối với sáng kiến sửa đổi của xã hội dân sự (chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc).

Tuy nhiên Công Ðồng cũng nêu ra vài quy tắc quan trọng nhắc Tòa Thánh lưu tâm khi có việc thay đổi:

a. Phải thận trọng trong việc thay đổi lễ Phục Sinh nếu có, vì trong quá khứ vấn đề đó đã là lý do chia rẽ giữa các kitô hữu.

b. Cố gắng duy trì tuần lễ bày ngày với ngày Chúa Nhật, và thao nguyên tắc không thêm một ngày nào khác ngoài tuần lễ.


Chú Thích:

(1) Yves Congar O.P. Unam Sanctam 66, trg 14.

(2) Xem Dz 946 (1749) v.v... Những người "Cải Cách" đã bàn luận sôi nổi một vài vấn đề Phụng Vụ: như vấn đề ngôn ngữ trong Phụng Vụ, rước lễ hai hình v.v... nhưng tiếc thay, họ bàn luận theo những chiều hướng sai lạc.

(3) Xem Pierre-Marie Gy. O.P. Unam sanctam 66, trg 117.

(4) Cha Annibale Bugnini, linh mục thừa sai, chủ nhiệm tờ "Ephemerides Liturgicae", là thư ký và chuyên viên của Hiến Chế.

(5) Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ngày 4-12-1963 .

(6) Chẳng hạn năm 1922. Hội Nghị Liên Hiệp Không Gian nhóm họp tại Rôma để thảo luận về vấn đề này. Bên Mỹ châu có "World Calender Association" đã phổ biến một hệ thống niên lịch cố định, khá phức tạp. Có lẽ trong một thời gian gần đây Liên Hiệp Quốc sẽ có sáng kiến về vấn đề này.

(7) Về các tài liệu này, xin xem chauver Berrand, La question de la Pâque et du Calendrier, Paris 1936, trg. 213-214.