
Cơn đại dịch Covid-19 đang làm xáo trộn cuộc sống và làm đình trệ các sinh hoạt đời thường, trong đó có sinh hoạt của giới Ca đoàn chúng ta. Thèm làm sao một buổi gặp lại những khuôn mặt thân thương! Mong làm sao sớm đến ngày được trở lại sinh hoạt, hát ca và phục vụ! Vì thế, một chút lắng đọng để chúng ta nhìn lại những năm tháng tham gia sinh hoạt Ca đoàn thiết tưởng là một việc cần thiết và hữu ích trong lúc này…
Không biết có ai còn nhớ nguyên nhân nào hay động lực nào đã thôi thúc chúng ta tham gia sinh hoạt trong một Ca đoàn Công giáo, hay còn gọi là Ca đoàn phụng vụ không? Hẳn là đã có rất nhiều lý do và mỗi người đều có lý do riêng của mình, chẳng hạn như vì muốn dâng lời ca tiếng hát ca tụng Chúa, muốn dùng tài năng Chúa trao ban cho để phục vụ Cộng đoàn; vì muốn học hỏi thêm về âm nhạc, muốn đàn ca hát xướng, muốn đứng trên bục Ca đoàn hay trên bục Điều khiển; cũng có thể vì tính ham vui, tính năng động, tính thích ồn ào; hoặc vì nghe lời xúi giục của bố mẹ, muốn kết bạn, làm thân với mấy anh mấy em trong Ca đoàn vốn được coi là những “đứa” đạo đức, ngoan ngoãn, hiền lành, nết na!?
Thực thể Ca đoàn không phải tự nhiên mà có, nhưng nó chỉ được hình thành khi có một nhóm người tập họp lại sinh hoạt với nhau; cho nên mỗi thành viên, dù tham gia Ca đoàn với mục đích nào, cũng phải biết đóng góp phần mình để giúp cho tập thể mỗi ngày một thêm phát triển, thăng tiến và vững mạnh hơn.
Vậy, khi đến sinh hoạt trong Ca đoàn, chúng ta mang theo mình những gì để đóng góp?
1. Có phải chúng ta đến để chia sẻ sự đoàn kết và tình hiệp nhất không?
Sau nhiều năm sinh hoạt trong tập thể Ca đoàn, sống gần gũi thân tình với những anh chị em có chung một niềm tin như mình, tôi đã coi tập thể này như là một gia đình; đồng thời trong nội bộ với nhau, tôi vẫn thích dùng hai chữ “gia đình” cho thân thương hơn: Gia đình Phục Sinh. Vâng, chẳng phải là một gia đình sao khi chúng tôi đã từng sống và sinh hoạt với nhau suốt những tháng năm dài, người 25 năm, người 20 năm, người 15, hay người 5, 7 năm? Chẳng phải là một gia đình sao khi chúng tôi đã từng tập họp lại ca hát, cầu nguyện, chia sẻ, ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi với nhau? Hình ảnh gia đình, nơi mỗi thành viên được mời gọi chia sẻ tình yêu thương, sự hiệp nhất, nơi chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm, nơi thể hiện các giá trị đạo đức, sự cảm thông, thực sự là hình ảnh tiêu biểu cho các Ca đoàn Công giáo.
Đó cũng chính là mối tương quan giữa bản thân mỗi người chúng ta với nhau trong gia đình thiêng liêng này, một gia đình có nhiều thách đố lớn lao hơn một gia đình hiểu đúng nghĩa là chỉ bao gồm những người thân thích. Ngoài một hai điểm chung như là thích ca hát, thích phục vụ, chúng ta có thể đã không có cùng một cá tính, không có cùng một suy nghĩ, mà dám tự nguyện qui tụ lại với nhau để tạo thành nên một tập thể, một gia đình huynh đệ, vậy thì chỉ có chất keo thượng hạng của sự đoàn kết, của tình hiệp nhất mới có thể nối kết chúng ta lại với nhau.
Tuy nhiên, để trở thành chất keo thượng hạng, hoặc trở thành một mắt xích nhỏ bé liên kết giữa các thành viên, mỗi người trước hết phải biết hy sinh cái tôi của mình để sẵn sàng hoà hợp, hoà đồng và “sống với” người khác, để dễ dàng hoà mình vào tất cả mọi sinh hoạt, cũng như dễ dàng vui theo tiếng cười, buồn theo tiếng khóc của mọi thành viên trong gia đình, bằng sự quan tâm, nâng đỡ tinh thần, bằng việc xả thân, san sẻ công việc, bằng sự khen ngợi, khích lệ tinh thần phục vụ và đời sống đạo đức.
Thật vậy, mỗi người chúng ta có thể được ví như một chiếc bong bóng màu, khi được thả bay, chúng ta sẽ đơn độc bay về bốn phương tám hướng; nhưng nếu được cột chặt lại với nhau, cùng nương tựa vào nhau, chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ với muôn màu muôn sắc, và sẽ chỉ bay cao về cùng một hướng!
2. Có phải chúng ta đến để chia sẻ thời giờ và chia sẻ sự hiện diện không?
Trong một năm sinh hoạt, có bao nhiêu lần chúng ta đã viện lý do này nọ để xin nghỉ một buổi tập hát hằng tuần, hoặc xin vắng mặt một buổi hát lễ, một dịp tĩnh tâm, một cuộc hội họp, một buổi dã ngoại hay buổi liên hoan của Ca đoàn? Nếu ai đó trả lời rằng “chẳng bao giờ” hoặc “rất ít khi” thì bản thân tôi xin thành thật nghiêng mình khâm phục. Vâng, chúng ta phải làm sao ý thức được và dám tin rằng một khi đã gia nhập vào Ca đoàn, sự hiện diện thường xuyên và đông đủ của chúng ta quả thật là vô cùng đáng quí. Thiết nghĩ không có Ca trưởng nào mà không ước mong và trân trọng những sự hiện diện như thế!
Bản thân tôi, cứ hôm nào đến giờ tập hát mà phòng Ca đoàn vắng hoe, chưa thấy bóng dáng ai là tôi vừa rầu rĩ vừa lo lắng! Còn một sự nản lòng khác nữa, đó là những tiếng chuông điện thoại không hề được chờ đợi trước giờ tập hát: “Em đang còn ở hãng, không về kịp”, “Em ho quá, không đi tập hát được” , hoặc là “Sorry xếp, em bận việc nhà, không đến được” . Mặc dù tất cả những lý do ấy đều chính đáng, nhưng cứ thử hình dung mà xem: nhân số của Ca đoàn tôi đang phụ trách là 37, số người đi tập hát hằng tuần tính trung bình 30, trước giờ tập hát mà nhận chừng dăm ba cú điện thoại hoặc tin nhắn đại loại như thế, cộng thêm vài ba người khác nghỉ không thông báo nữa thì hỏi còn đâu là hứng thú!?
Thật vậy, sự hiện diện thường xuyên và đông đủ của mọi người trong tất cả các sinh hoạt của Ca đoàn luôn đem lại niềm vui và sự phấn khởi cho cả tập thể và cho các Ca trưởng. Nếu là buổi tập hát, bầu khí sẽ sinh động hơn, Ca trưởng có hứng tập hát hơn và Ca đoàn chúng ta chắc chắn sẽ hát hay hơn. Nếu là dịp họp mặt vui chơi, tiệc mừng, liên hoan thì khỏi phải nói, bầu khí sẽ tươi vui, sinh động và ồn ào náo nhiệt đến chừng nào!
Nhưng làm sao để có thể đóng góp một sự hiện diện như thế hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác? Tôi cho rằng chúng ta chỉ cần một lần thực lòng quyết tâm mà thôi! Quyết tâm dành cho Chúa và cho anh chị em mình một khoảng thời gian nhất định nào đó mỗi tuần và cương quyết từ chối tất cả những cơ hội, những dịp có thể làm chúng ta không thể thực hiện được sự quyết tâm đó. Mỗi ngày chúng ta lái xe đi làm, không cần một chút cố gắng, là do đâu? Chắc chắn là do miếng cơm manh áo thôi thúc. Vậy, hãy để lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa thôi thúc chúng ta mỗi tuần, rồi chúng ta sẽ thấy việc đi tập hát mỗi tuần, việc hát lễ mỗi Chúa Nhật không còn là một gánh nặng, cũng không cần phải cố gắng bao nhiêu để thực hiện.
Tôi có nghe một anh bạn Ca trưởng than thở rằng: “Các anh chị em ấy tham gia Ca đoàn là do tự nguyện, vậy họ đến được thì tốt, không thì thôi, đâu bị ràng buộc gì!” Nghĩ sao cho đúng đây? Mặc dù Ca đoàn của tôi không đặt ra nhiều qui luật để gìn giữ chúng tôi, theo nghĩa “Con giữ luật thì luật sẽ giữ con” mà Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày trước vẫn thường khuyên dạy chúng tôi, nhưng cá nhân tôi chỉ đồng ý với “khúc dạo đầu” của lời than thở nói trên mà thôi. Đúng một trăm phần trăm là mỗi người chúng ta đã hoàn toàn tự nguyện tham gia Ca đoàn, nhưng là sự tự nguyện để mình bị ràng buộc vào một tập thể có một sứ mạng, một trách nhiệm, một bổn phận không kém phần cao cả. Thật vậy, chúng ta tự nguyện để mình bị ràng buộc, chúng ta sẵn lòng cam kết thực hiện một điều gì đó trong tinh thần trách nhiệm. Thiết nghĩ trường hợp của chúng ta cũng giống như trường hợp của các đôi bạn, tự nguyện đến với nhau, tự nguyện yêu thương nhau, rồi tự nguyện để được (hoặc để bị) ràng buộc lại với nhau trong một giao ước hôn nhân mà cả hai người đều có bổn phận và trách nhiệm phải gìn giữ!
3. Có phải chúng ta đến để chia sẻ tình yêu thương chân thành, chia sẻ tinh thần biết tôn trọng người khác, đồng thời biết nhìn nhận khả năng khiêm tốn của mình không?
Hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời rằng: “Dĩ nhiên rồi! Có yêu thương nhau, có tôn trọng nhau thì mới ngồi lại sinh hoạt với nhau chứ!” Tôi hoàn toàn tin lời các anh chị ấy; nhưng nếu tất cả mọi người đều khẳng định như thế thì tôi không tin. Trong bất cứ tập thể nào, dù lớn dù nhỏ, không nhiều thì ít vẫn luôn tồn tại những chê bai, ganh tỵ, ghen ghét, khích bác, lườm nguýt, nói sau lưng nhau, nhiều khi cũng chỉ vì một vài nguyên nhân được coi là chủ quan: “Con nhỏ Sáu đó hát to quá, sao anh không bảo nó hát nhỏ lại? Hay anh xếp nó sang bè khác đi!” ; hoặc là: “Sao anh không cho thằng Tám hát solo? Nó hát không hay hơn thằng Bảy con Năm kia sao?” ; hay là: “Nó không đi tập hát mà sao anh cứ để nó lên hát vậy? Biết gì đâu mà hát?” Chắc chắn còn nhiều điều khác nữa phải không?
Trước hết, chúng ta trân trọng và cám ơn những anh chị em đã mạnh dạn góp ý. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm ở đây là có được bao nhiêu chân thành trong tất cả những lời góp ý đó!? Tìm hiểu kỹ lưỡng thì thấy rằng vì mình không ưa con nhỏ Sáu đó nên cảm thấy giọng hát của nó chát chúa quá; mình khen thằng Tám có thể hát solo hay hơn thằng Bảy con Năm, nhưng thực lòng là mình không muốn thấy thằng Bảy con Năm này cứ được chọn hát hoài, chưa chừng còn nghĩ rằng mình cũng có thể hát được như hai đứa nó hoặc hay hơn cả hai đứa nó. Chúng ta không loại trừ khả năng này là có những Ca trưởng đã xử sự thiếu tế nhị, thiếu công bằng, hoặc đã không đánh giá đúng mức khả năng của ca viên mình; nhưng đồng thời chúng ta cũng phải tinh ý để nhận ra thái độ tiêu cực trong những lời góp ý trên đây: có thể là sự ganh tỵ, sự thiếu tôn trọng người khác, sự tự cao tự đại, không nhận ra cái khả năng khiêm tốn, cái nén bạc nhỏ bé Chúa trao ban cho mình.
Nhớ lại những năm đầu tập tễnh làm Ca trưởng, tôi tổ chức một hai cuộc thi hát trong Ca đoàn, vừa để khuyến khích các ca viên chuyên cần tập luyện nâng cao tiếng hát, vừa để chọn ra một vài giọng hát Thánh vịnh Đáp ca hoặc solo mấy câu phiên khúc. Nhưng vì Cha quản xứ lúc ấy quá tinh tế, tỏ ý lo ngại cho tôi rằng sẽ có những tiếng xầm xì thế này thế nọ, nên tôi vâng lời ngài cho “trăm hoa đua nở” , mỗi tuần một giọng ca. Được chừng hơn hai tháng, sau khi những quỳnh, lan, huệ, cúc, hồng, rồi cẩm chướng, thược dược, khổ qua, húng quế, mắc cỡ theo nhau nở, thì vì lợi ích của Cộng đoàn và vì bộ mặt của Ca đoàn, tôi đành phải dẹp hẳn việc cho “trăm hoa đua nở” , chỉ phân công cho một ít giọng ca có đủ khả năng.
Thật vậy, nếu vì lợi ích thiết thực của Cộng đoàn có lúc cần được khuấy động tâm hồn bằng những giọng ca thánh thót, thiết nghĩ chúng ta cũng nên bằng lòng với khả năng khiêm tốn của mình, để cho những ai có khả năng hơn dâng lên Thiên Chúa những gì hay nhất, đẹp nhất, nhưng không phải vì lợi ích của riêng bản thân họ mà vì lợi ích của chung tất cả mọi người chúng ta. Phần mình, hãy cứ cố gắng sử dụng hết khả năng khiêm tốn của mình để phục vụ một cách chân thành và vui vẻ.
4. Sau cùng, có phải chúng ta đến để chia sẻ tinh thần trách nhiệm và tinh thần cộng tác không?
Một tập thể càng đông thành viên càng có nhiều sinh hoạt, nhiều tổ chức; mà càng nhiều sinh hoạt, càng nhiều tổ chức thì càng có nhiều qui luật phải tuân theo và nhiều công việc phải làm. Chính vì thế mà mỗi thành viên của một tập thể đều được mời gọi hoặc bị bắt buộc phải tuân giữ một số điều lệ hay một vài qui định nào đó, chẳng hạn như điều lệ này ở Ca đoàn bạn của tôi: “Anh chị em nào nghỉ sinh hoạt 3 tuần liên tiếp mà không thông báo cho Ca trưởng biết sẽ coi như tự ý ra khỏi Ca đoàn” . Tôi tin rằng đã không có ai tự ý rút lui như thế, bởi vì thực chất của điều lệ này chỉ là một đòi hỏi của phép lịch sự tối thiểu, chưa hẳn là một đòi buộc của tinh thần trách nhiệm.
Nói đến tinh thần trách nhiệm, xin được chia sẻ một kinh nghiệm riêng của bản thân tôi. Cơn ác mộng mà tôi gặp nhiều nhất trong đời, đó là cơn ác mộng trễ giờ lễ. Suốt 48 năm phụ trách từ Hội hát đến Ca đoàn, tôi đã hàng chục lần trải qua cơn ác mộng trễ giờ lễ này. Rõ ràng là tôi vừa nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn, tôi bật dậy, đi rửa mặt. Rồi tôi nghe tiếng chuông xướng kinh Truyền Tin, người ta đã bắt đầu đọc kinh. Đến giờ tập hát cho Cộng đoàn rồi mà sao tôi vẫn còn ở nhà, lục tung cái tủ áo tìm bộ đồ mới ủi tối hôm qua mà không thấy! Tôi nghe tiếng ông Trùm rao lịch, rồi tiếng đàn cất lên, tiếng Ca đoàn hát Ca nhập lễ. Người tôi đổ mồ hôi hột. Trễ lễ mất rồi! Tôi nghe rõ tiếng Ca đoàn hát kinh Thương xót, rồi kinh Vinh danh. Vơ đại một chiếc áo nào đó mặc vào, chiếc áo nhăn nhúm, tôi lại cởi ra. Đến khi nghe tiếng người đọc Sách Thánh thì tôi xụi lơ. Thôi đã quá trễ rồi, còn lễ lạy gì nữa, để đi lễ chiều vậy. Lúc đó, tôi bừng tỉnh, à thì ra chỉ là cơn ác mộng, vì vẫn chưa tới giờ thức dậy đi lễ!
Những cơn ác mộng đó vẫn cứ đeo đuổi tôi không dứt. Có phải là vì tôi đã quá lo lắng về một bổn phận, về một trách nhiệm? Phải hay không, điều tôi muốn chia sẻ và mời gọi ở đây là chúng ta nên cố gắng luôn đúng giờ: đi tập hát đúng giờ, đi hát lễ đúng giờ, đi sinh hoạt đúng giờ, và ngay cả đi họp mặt vui chơi ăn uống cũng cần phải đúng giờ. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tính đúng giờ luôn luôn được đề cao, bởi vì sự đúng giờ thể hiện tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và biết tôn trọng người khác.
Đi đôi với tinh thần trách nhiệm là tinh thần cộng tác. Cộng tác một cách đắc lực qua việc đóng góp một ý kiến, chìa ra một bàn tay, đưa ra một bờ vai. Cộng tác một cách tự nguyện, thấy việc là làm, không cần phải có chức vụ, không cần được kêu gọi. Nhưng để có thể dễ dàng và nhanh chóng nhìn thấy nhu cầu của người khác, để có thể luôn sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ, chúng ta cần phải giải thoát đôi mắt và đôi bàn tay của mình khỏi một vật bất khả ly thân. Đó là cái điện thoại! Cái màn hình nhỏ xíu thu hút đôi mắt của chúng ta để không nhìn thấy anh chị em mình mới bước vào phòng tập hát mà nở một nụ cười, mà ngỏ một lời chào, hoặc trao đổi một vài lời thăm hỏi về công việc, về gia đình, hay về một nỗi đau nào đó của anh chị em mình. Cái bàn phím cũng quá lôi cuốn chúng ta để không rảnh tay đứng lên phụ giúp anh chị Ca trưởng hay Đoàn trưởng phân phát mấy cuốn sách hát.
Nói tóm lại, không phải là tập thể Ca đoàn đòi hỏi hay yêu cầu, nhưng chính là bản thân chúng ta, khi tự nguyện tham gia, cần phải đem lại những đặc tính, những phẩm chất cao quí cho Ca đoàn của mình. Những đặc tính đó là sự đoàn kết, tình hiệp nhất, niềm vui, thời giờ, sự hiện diện, tình yêu thương chân thành, sự tôn trọng người khác, ý thức trách nhiệm và tinh thần cộng tác.
Đỗ Vy Hạ